Giảm "shock" cho trẻ khi có em bé Hầu hết các bậc cha mẹ đều vui mừng khôn xiết khi có thêm em bé mới. Nhưng với các bậc "làm anh, làm chị" khi vẫn còn tuổi "mẫu giáo, ô mai" thì lại bị "shock" và không ít và cảm thấy rất lo lắng, buồn phiền.
Vì sao trẻ không thích có thêm em? Nhìn thấy bụng mẹ ngày càng to lên, ban đầu không ít trẻ ngạc nhiên, thích thú. Nhưng đến khi thấy bố mẹ ngày đêm mong ngóng em bé ra đời, rồi mua hết đồ này đồ kia cho em bé, trẻ bắt đầu ghen tị. Và chúng càng buồn hơn khi nhiều người lớn vô tình trêu chọc: "Mẹ sắp sinh em bé, cu Bin/ cái Bống sắp bị "ra rìa" nhé!". Sợ bị mất vị trí độc tôn trong gia đình, sợ cha mẹ không yêu mình nữa và lo lắng rồi cả ông bà, họ hàng... mọi người đều chỉ yêu em bé mới, không quan tâm đến mình, trẻ bỗng thấy em bé thật đáng ghét. Nếu bị cha mẹ "bỏ rơi" khi sắp có em bé mới, đứa trẻ đầu sẽ có tâm lý ghét em
Thực tế, có không ít các bà mẹ khi mang thai rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc stress nhẹ. Cơ thể nặng nề, mệt mỏi, thai nghén, mất ngủ khiến cho họ không chăm sóc con tốt như trước. Điều này khiến cho trẻ có cảm giác bị lãng quên và chúng cảm thấy cô đơn. Nhất là đối với trẻ sinh ra trong các gia đình khá giả vốn luôn được mọi người quan tâm, chiều chuộng. Ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ, trẻ đã dễ dàng nhận ra các nguy cơ bị "ra rìa" như: Không được ngủ cùng mẹ, không được mẹ bế nữa, không được đi chơi nhiều như trước, không được mẹ tắm và buồn nhất là không được "sờ ti" nữa... từng ấy điều càng làm cho trẻ củng cố niềm tin, em bé là kẻ sẽ chiếm mất "ngôi vị" của mình trong gia đình. Biểu hiện bị "shock" Đa phần trẻ sẽ ít nói và đùa nghịch hơn. Một số trẻ buồn bã ra mặt và rất dễ khóc vì lúc nào cũng cảm thấy tủi thân. Một số thì cố tỏ ra như không có chuyện gì, nhưng trong lòng lại rất buồn. Số khác thì nghịch ngợm hơn hẳn hoặc dễ nóng nảy, cáu gắt với mọi người. Dường như tất cả những biểu hiện đó đều chỉ nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ. Khi mọi cố gắng thu hút không có tác dụng, khi cha mẹ quan tâm thái quá đến em bé sắp ra đời, trẻ bị bỏ quên sẽ rất dễ có những biểu hiện tiêu cực đối với em bé. Trẻ nói những điều không tốt về em bé với mọi người, chê em bé xấu, không ngoan, hay khóc... Có trẻ lén lút cấu em để em khóc váng lên vì nghĩ rằng em bé khóc, mẹ sẽ không yêu em nữa (vì trước đây, mỗi lần trẻ khóc, mẹ nói sẽ không yêu nữa). Có trẻ thì luôn tranh giành đồ ăn với em, vì thấy em bé có nhiều đồ ăn lạ không giống như đồ trẻ thường được ăn hàng ngày. Có trẻ còn cố tình đẩy em, hoặc làm em ngã... cho bõ tức. Giảm "shock" và chuẩn bị tinh thần cho con Không phải là tất cả trẻ nhỏ đều bị "shock" khi cha mẹ có thêm em bé mới. Thái độ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử, quan tâm của cha mẹ. Thái độ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử, quan tâm của cha mẹ
Khi đã mang thai, người mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về em bé trong bụng. Bạn có thể hỏi bé xem bé thích em trai hay em gái, thích đặt tên em là gì, sau này thích chơi gì cùng em? Dù bận rộn và mệt mỏi, các bà mẹ không nên từ bỏ các thói quen chăm sóc con thường ngày, trừ những việc quá sức hoặc cần phải kiêng cữ. Nên thường xuyên hỏi han chuyện học hành, vui chơi, âu yếm, vuốt ve, an ủi để trẻ không thấy mình bị cô đơn. Về phía người cha thì càng nên quan tâm đến con nhiều hơn, nên giúp vợ chăm sóc và trò chuyện cùng con về mẹ và em bé sắp ra đời. Sẽ tốt hơn, nếu chúng ta biết tạo nên tầm quan trọng và trách nhiệm làm anh, làm chị đối với trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy mình lớn dần lên và thấy yêu cha mẹ, yêu em bé hơn. Bé được chọn đồ chơi cho em, và đừng quên mua một vài món đồ chơi để con cảm thấy được đối xử công bằng. Cha mẹ cũng nên tập dần cho trẻ thói quen ngủ riêng (nếu có thể nên huấn luyện cho trẻ ngủ riêng trước khi bắt đầu mang thai thì càng tốt). Khi trẻ chưa quen, thỉnh thoảng bạn có thể để trẻ ngủ với bố hay với ông bà để dần dần quen với việc xa hơn mẹ. Rất nhiều trẻ băn khoăn hỏi mẹ: Có em bé, mẹ có yêu con nữa không? Vì sao nhà mình lại có thêm em bé? Bố mẹ có con còn chưa đủ ạ? Trước những câu hỏi hóc búa này, bạn nên giải thích điều này một cách nhẹ nhàng như: "Có em bé, mẹ vẫn yêu em chứ. Mẹ yêu cả hai con vì hai con là những thiên thần của cha mẹ mà". Hoặc: "Mẹ yêu con lắm nên mới sinh em bé để cùng chơi với con cho đỡ buồn khi mẹ vắng nhà...." Khi người mẹ tới bệnh viện sinh em bé, người cha nên đưa trẻ vào viện thăm mẹ và em bé để được cảm nhận sự thiêng liêng của tình yêu thương trong gia đình. Không ít trẻ cảm thấy khó chịu khi trở thành chân sai vặt và phải làm rất nhiều việc cho em bé. Bé Bông cháu tôi đã từng "mách" với mẹ: "Em bé chẳng đáng yêu chút nào, suốt ngày chỉ ăn rồi ngủ với khóc và ị đùn". Đó là suy nghĩ kiểu trẻ con, điều quan trọng là chúng ta phải giải thích cho trẻ hiểu được rằng, mọi em bé mới sinh đều như thế, kể cả con trước đây cũng thế, nhưng chỉ mấy năm nữa, em bé sẽ lớn lên sẽ ngoan và đáng yêu như con bây giờ. Ngoài việc phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần chú ý những hành động của trẻ đối với em bé. Vì ghen tị, trẻ có thể gây hại cho em bé. Đó là những hành động bộc phát vì trẻ còn nhỏ nên chưa thể nhận thức để phân biệt sai trái và các hậu quả của hành động do mình gây ra. Trước những tình huống này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và khéo léo giải thích để con hiểu vì sao không nên làm như thế. Đừng la mắng, chửi bới hay đánh đòn con, vì điều đó càng khiến cho trẻ thấy tủi thân và cô đơn, trẻ sẽ thấy là cha mẹ yêu bé và bênh bé, chẳng còn yêu mình nữa. Cùng với giải thích, cha mẹ nên tỏ ra quan tâm đến con nhiều hơn, dần dần, trẻ sẽ tự hiểu ra rằng bố mẹ vẫn yêu thương mình và mình cũng cần phải yêu thương em bé, vì tất cả là một gia đình. Nếu trẻ vẫn không thay đổi thái độ và tiếp tục có những hành động thù địch với em, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em càng sớm càng tốt để nhờ các bác sĩ tâm lý giúp đỡ. Điều đó sẽ tránh được mối nguy hiểm cho cả trẻ và em bé mới ra đời. Theo Tin Tức |