Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ ơi đừng đánh đòn con!


Trẻ nhỏ luôn hiếu động và gây ra nhiều rắc rối, nhiều bậc phụ huynh thường trừng phạt con bằng cách đánh đòn.

Ảnh: sưu tầm

Khi trẻ nghịch hư, tất nhiên người lớn cần phải có thái độ nghiêm khắc và thậm chí là có hình phạt thích đáng để răn dạy con không phạm sai lầm lần nữa. Tuy nhiên, phạt trẻ bằng cách đánh đòn là hoàn toàn không nên, nhất là khi có nhiều ông bố bà mẹ dùng roi, chổi đánh con rất đau, lằn đỏ lên cả chân, tay của con.

“Đòn đau thì nhớ lâu!”, câu nói đó cũng có thể đúng đối với các em nhỏ, nhưng lại đúng theo một mặt khác. Các em còn quá bé, chưa nhận thức được rõ hành vi của bản thân mình, ngay cả khi chúng gây ra rắc rối chúng cũng không hiểu hết được đúng - sai. Do đó, nếu bị bố mẹ đánh đòn, chúng sẽ không hiểu tại sao mình bị đánh, mà chỉ biết rằng bố mẹ đã đánh mình rất đau và sẽ nhớ về điều đó.

Nếu những trận đòn này diễn ra thường xuyên sẽ không giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn, mà còn gây phản tác dụng: trẻ trở nên “lì đòn”, ương bướng, và tình cảm ít nhiều sẽ bị tổn thương. Bé không cảm thấy gắn bó với cha mẹ nữa, thậm chí nhiều bé còn có suy nghĩ rằng mình đang bị cha mẹ ghét bỏ.

Làm cha làm mẹ, hẳn không ai muốn con cái xa lánh mình, không ai muốn làm tổn thương đến tình cảm thơ dại của con. Vì vậy, đừng để một phút nóng giận không kìm chế được mà trừng phạt thân thể của con trẻ, nhất là khi vì một lí do không xứng đáng.

Cha mẹ cần phân biệt rõ ràng hành vi cố ý hay vô ý của trẻ. Trẻ đang ở độ tuổi ham khám phá tìm tòi nên sẽ rất hiếu động, không ngừng chạy nhảy, chui vào mọi ngóc ngách trong nhà, sờ tay vào mọi đồ vật và thậm chí là tìm cách để “nghiên cứu” chúng, do đó sẽ vô tình làm hỏng đồ đạc. Ví dụ, bé có thể làm rách giấy tờ, sách vở quan trọng của bố mẹ, làm hỏng, vỡ đồ dùng, làm vung vãi đồ ăn… Nhìn “bãi chiến trường” mà con gây ra, bạn sẽ vô cùng tức giận. Hãy kìm chế sự tức giận đó và nhìn nhận rõ vấn đề: bé yêu của bạn không hề cố ý phá hoại đâu, bé đang tích cực học tập, tìm hiểu thế giới xung quanh mình để khôn lớn đấy thôi.

Vậy răn dạy con thế nào cho đúng?
Những hành vi từ thủa thơ ấu sẽ hình thành nên tính cách lâu dài sau này. Do đó, việc dạy bảo con từ những năm đầu đời là hết sức quan trọng, không thể vì con còn nhỏ dại mà xuề xòa bỏ qua những sai lầm của chúng. Bibi.vn xin đưa ra một vài lời khuyên nhỏ cho bạn:
  • Trước hết, bạn cần phải hiểu rõ tính cách của con mình để đưa ra những cách răn dạy phù hợp. Cần phân biệt rõ hành vi vô ý do bé còn thơ dại với hành vi cố ý phá hoại để tránh việc phạt oan bé.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày, hãy chỉ cho bé thấy điều gì nên làm và không nên làm, nói rõ cả hậu quả của những việc không nên đó để bé hiểu.
  • Khi bé vô tình mắc lỗi, bạn nên nhẹ nhàng nhắc nhở, không nên gay gắt cấm đóan mà hãy chỉ cho bé cách làm tốt hơn.
  • Nếu bé quá nghịch ngợm và hay mắc sai lầm, thay vì đánh đòn con, bạn hãy nghiêm mặt nhìn con một lúc để bé cảm thấy sự không hài lòng của cha mẹ qua nét mặt, bé sẽ hiểu là mình đã làm cho mẹ buồn, mẹ giận. Sau đó, hãy nói cho con nghe về lỗi mà bé vừa mắc phải, lời nói cần cứng rắn hoặc gay gắt một chút (nhưng tránh không nên quá lớn tiếng quát mắng, chửi bới con).
  • Mọi người trong gia đình cần có sự thống nhất quan điểm giáo dục trẻ. Khi trẻ hư, mẹ thì nghiêm mặt còn bà lại cười xòa sẽ khiến cho chúng không biết mình đúng hay sai, không biết nghe theo ai.
  • Nên khuyến khích, khen ngợi trẻ khi bé làm tốt việc gì đó. Trẻ em luôn thích được thể hiện mình, được người thân khen, từ đó sẽ càng tích cực làm tốt hơn.
( Theo Bibi.Vn )