Đúng và sai: Khi nào trẻ nhận thức được? Đây là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều cách để trả lời. Các bậc cha mẹ đều biết trẻ con phát triển nhận thức và cảm nhận điều gì đúng, sai trước khi có thể diễn tả bằng lời.
Trẻ con tự hiểu mình được phép làm gì và không được phép làm gì bằng cách chú ý đến phản ứng và ánh mắt của cha mẹ. Thông thường các bé cố gắng làm mọi cách để cha mẹ hài lòng và không phạt khi chúng phạm lỗi. Khi chập chững tập đi, bé đã bắt đầu hiểu được “quyền sở hữu”, vì thế bé hay la to “của con, của con!” khi có ai chạm vào đồ dùng hoặc đồ chơi của bé. Lớn hơn nữa, khi học ở trường mầm non, bé lại học được “sự công bằng”. Cô dạy “mọi đồ vật đều được dùng chung, đồ chơi cũng chơi chung”. Trẻ thường đánh giá việc làm sai dựa trên hậu quả hơn là quan tâm đến sự cố gắng nỗ lực của một người nào đó. Một bạn hết sức cố gắng giúp bé bước lên bậc thang cao nhưng không may bé bị té và bạn ấy đã xin lỗi. Trong suy nghĩ của bé, khi trở về nhà sẽ kể với bố mẹ rằng "đã bị đẩy té” và khóc òa. Khi lớn hơn nữa, bé được dạy về giá trị đạo đức. Những hiểu biết bé góp nhặt được từ môi trường sống sẽ giúp bé có khả năng phân tích phải trái, trắng đen. Nhưng trong giai đoạn này, đa số các bé đều học tập hành động và thói quen của cha mẹ. Bằng cách này, dần dần các tính cách cơ bản của bé sẽ được hình thành. Cha mẹ tác động trực tiếp lên tính cách của bé. Càng nhỏ, bé sẽ dễ dàng nghe lời. Khi đã ở tuổi teen, mọi thứ sẽ thay đổi và việc giáo dục trẻ trở nên khó khăn hơn. Nhận biết điều tốt từ một lỗi lầm là một quá trình rất lâu, nhiều khi kéo dài cả một đời người. Điều quan trọng của người làm bố mẹ là phải kiên nhẫn theo sát con trong quá trình con lớn lên và hình thành nhận thức đúng và sai. ( Theo Web Trẻ Thơ ) |