Khánh Hoà: Đi học phải đóng thuế Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều không thoát khỏi tình cảnh "giật gấu, vá vai", bởi cứ mỗi cháu đến lớp, người quản lý phải đóng thuế suất bằng 28% tiền học phí.
Nhu cầu bức thiết Chị Nguyễn Thị Thanh, 30 tuổi, CN may ở Khu CN Bình Tân, phường Phước Long, TP.Nha Trang, cho biết: "Tôi có 2 con dưới 5 tuổi, buổi sáng phải dạy sớm đưa con đi học từ lúc 6 giờ thì mới kịp đến nhà máy nhận hàng. Chúng tôi hưởng lương khoán sản phẩm và thường xuyên phải làm tăng ca nên 19 giờ tối mới có thể đón con về nhà. Chắc chắn không có trường công lập nào đáp ứng được yêu cầu này; hơn nữa công ty trả lương theo tuần, ở lớp tư thục các cô cho phép nộp tiền học phí nhiều lần, có tháng thiếu hụt được ghi nợ, trả dần...". Vẫn biết "tư thục" không bằng "công lập", nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện xin cho con vào trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ công lập; bởi vì ngoài tiền học phí, tiền ăn; phụ huynh còn phải đóng tiền mua áo quần đồng phục, chăn, gối, đồ chơi, bảo hiểm..., nhưng ở lớp mầm non tư thục (MNTT) mức thu học phí phổ biến chỉ 65.000 đồng/cháu/tháng và tiền ăn khoảng 150.000 đồng/cháu/tháng. Vì vậy hầu hết phụ huynh có mức thu nhập trên dưới 1.000.000 đồng/tháng đều gửi con ở các nhóm, lớp tư thục lựa chọn sự "tiện lợi" hơn là "chất lượng". Bà Trần Thị Lãy-Trưởng phòng GDMN của Sở GDĐT Khánh Hoà khẳng định: "Toàn tỉnh hiện có 397 nhóm, lớp mầm non tư thục, tiếp nhận gần 11.500 cháu, nhưng chỉ có 140 nhóm, lớp đã làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy phép; 258 nhóm, lớp đang nuôi, dạy gần 4.500 cháu chưa được cấp phép, vẫn hoạt động ngoài tầm quản lý của ngành giáo dục. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn đã và đang tồn tại nhiều bất cập". Mỗi nơi một kiểu Công tác quản lý nhóm, lớp MNTT ở Khánh Hoà hiện còn thả nổi. Trong số 258 cơ sở MNTT chưa được cấp phép có 18 nhóm, lớp với khoảng 1.000 cháu do các tổ chức tôn giáo thành lập; phần lớn số còn lại "tự phát" ra đời theo quy luật "cung-cầu". Bà Phạm Hồng Thu - Trưởng phòng GDĐT TP.Nha Trang cho biết: "Thực hiện phân cấp quản lý, hoạt động của trường mầm non dân lập và nhóm, lớp MNTT trực thuộc các xã, phường. Riêng lĩnh vực chuyên môn, Phòng GDĐT chỉ kiểm tra, hỗ trợ những cơ sở MNTT đã được cấp phép". Mặc dù "ngoài tầm kiểm soát" của ngành GDĐT nhưng các cơ sở MNTT chưa đăng ký vẫn không thể..."qua mặt" cơ quan thuế địa phương. Tỉnh Khánh Hoà có 9 huyện, thị xã, thành phố; cách thức quản lý thuế đối với loại hình MNTT mỗi nơi mỗi kiểu: TP.Nha Trang, TX Cam Ranh thu thuế tất cả các cơ sở đã cấp phép và chưa cấp phép; huyện Ninh Hoà, Diên Khánh không thu thuế những cơ sở chưa cấp phép; huyện Vạn Ninh miễn thuế cho tất cả các cơ sở MNTT. Bộ Tài chính quy định thuế suất áp dụng đối với các cơ sở ngoài công lập thuộc lĩnh vực giáo dục là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế 10%, các cơ sở MNTT phải thực hiện đúng quy trình đăng ký với cơ quan thuế và lập hồ sơ sổ sách báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hiện hành. Nhưng, thủ tục này rất rườm rà, nhiêu khê; trong khi những người bán rau, bán thịt... ở chợ làm gì có hoá đơn VAT để cung cấp cho các cơ sở MNTT khai trình cơ quan thuế. Vì vậy, các cơ sở MNTT phải tiết giảm khoản chi cho mục đích nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đóng thuế suất 28%. Sở GDĐT Khánh Hoà cho biết thêm: "Trên cùng một địa bàn nhưng việc thu thuế không thống nhất, có cơ sở quy mô lớn ở trung tâm thị trấn nộp thuế ít hơn cơ sở nhỏ ở khu vực nông thôn; đó là chưa kể mức thu thuế không ổn định và hàng quý liên tục gia tăng. Không ít cơ sở mất cân đối thu-chi, thậm chí phải bù lỗ để đóng thuế. Nhiều cơ sở MNTT chưa được cấp phép nhưng do đóng thuế đầy đủ nên lầm tưởng rằng đang hoạt động hợp pháp". ( Theo Lao Động ) |