Theo báo cáo của Tổng cục trẻ em - Bộ lao động thương binh và xã hội, trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 10 trẻ em thiệt mạng vì chết đuối. Tỷ lệ trẻ em bị chết đuối ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển và tình hình vẫn đang có xu hướng tăng. “Chiến dịch phòng chống đuối nước cho trẻ em” vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động tại Hà Nội nhằm ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị chết đuối trong những tháng cao điểm học sinh đang bước vào kỳ nghỉ hè năm nay và hưởng ứng chủ đề “An toàn để trẻ em sống và phát triển” của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2008.
Phần lớn nguyên nhân trẻ em bị chết đuối là do sự bất cẩn của người lớn. Ở nhiều địa phương, một số bậc phụ huynh coi việc trẻ em đi tắm ở sông, suối, ao là một hoạt động vui chơi của trẻ nhân dịp được nghỉ hè. Và số trẻ em tử vong do đi tắm ở sông, hồ chiếm tỷ lệ rất cao, nhất là trong những tháng mùa hè. Đó là nhận định của đại diện lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại lễ phát động “Chiến dịch phòng chống đuối nước cho trẻ em”. Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị đuối nước nếu như cha mẹ bất cẩn trong việc giám sát con cái. Bởi có một tỷ lệ trẻ không nhỏ em chết đuối ngay trong nhà tắm của gia đình. Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Tỷ lệ trẻ em chết đuối đang ngày một gia tăng do sự bất cẩn của người lớn và trẻ em. Cần tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức nguy cơ về tình trạng trẻ em chết đuối để phòng tránh". Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong đó có chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em bao gồm cả phòng tránh đuối nước. Nhưng theo đánh giá của đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam vấn đề phòng chống tai nạn thương tích và phòng tránh đuối nước cho trẻ em vẫn là một hoạt động được triển khai ở các ngành có liên quan đến công tác trẻ em. Trong khi đó, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em lại cần sự hợp tác của mọi ban ngành, tổ chức xã hội. Bà Isabelle Sévédé Bardem, Trưởng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích chi trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc nói: "Một đứa trẻ bị chết đuối thì trách nhiệm không chỉ thuộc về cán bộ ngành trẻ em, ngành y tế, đoàn thanh niên mà còn là trách nhiệm của mọi tổ chức, cơ quan đoàn thể ngay tại địa phương đó. BởI nếu như mọi tổ chức, cá nhân đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ có nguy cơ chết đuốI thì sẽ ngăn chặn được kịp thờI khi trẻ mắc sai lầm trong việc đi tắm ở những nơi nguy hiểm. Một việc nữa mà Việt Nam chưa làm được là việc dạy bơi cho trẻ em chưa được gia đình và cộng đồng quan tâm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ chết đuốI của Việt nam năm sau luôn cao hơn năm trước". Khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc là Việt Nam cần thúc đẩy chương trình học bơi cho trẻ em ở lứa tuổi tiểu học trên toàn quốc. Đồng thời cần tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân dịp hè để trẻ không la cà, vui chơi ở những nơi sông, hồ nguy hiểm. Tuy nhiên, ở hầu hết mọI địa phương hiện nay đều thiếu sân chơi cho trẻ em đặc biệt khi dịp hè về. Vì thế, thời gian tới chiến dịch ‘phòng chống đuối nước sẽ được triển khai ở khắp mọi địa phương trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp cộng đồng nhận thức rõ việc phòng chống đuố nước cho trẻ. Theo VTV |