Trường mầm non ngoài công lập: Thuế đang rút tỉa… “chất lượng” Mặc dù số cơ sở mầm non ngoài công lập (MNNCL) trên địa bàn TP.HCM không ngừng phát triển, từ 730 cơ sở (năm học 2006-2007) đến nay đã tăng lên 1.069. Song, hầu hết các chủ trường đều thừa nhận: đầu tư cho giáo dục mầm non không có lãi.
Đầu tư cho mầm non không có lãi! Đại diện Trường MN tư thục Hoàng Mai cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định mở trường mầm non là làm giáo dục chứ không phải kinh doanh. 3-4 năm đầu khi trường mới đi vào hoạt động, năm nào chúng tôi cũng phải bù lỗ trên 30 triệu đồng để trả lương cho giáo viên. Đó là chưa tính chi phí khấu hao tài sản…”. Chơi mà học, học mà chơi
Còn bà Trần Thị Quế Nga, chủ Trường MN tư thục Nguyễn Thị Tú, Q.Tân Phú thì cho rằng: “Vì điếc không sợ súng” nên tôi mới đầu tư vào giáo dục mầm non. Lời lãi đâu chưa thấy, chỉ thấy rằng ngày nào cũng nơm nớp lo sợ có chuyện gì xảy ra với cháu. Ngày nào mà không nhận được điện thoại mắng vốn của phụ huynh là ngày đó tôi ăn ngon, ngủ yên…”. Đồng cảm với tâm tư của các chủ trường, TS.Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: Làm giáo dục mầm non rất khó, giáo viên và chủ trường phải chịu trách nhiệm cao nhất về hậu quả nhưng lợi nhuận thì lại thấp, đặc biệt là nhóm nhà trẻ dưới 2 tuổi. Và ông đưa ra dẫn chứng sự việc bảo mẫu Lê Thị Lê Vy dán băng keo vào miệng cháu Bảo Trân ở Lớp Mầm non tư thục Thiên Thơ, Q.Phú Nhuận. “Nếu tôi có nhà rộng, tôi thà cho thuê, mỗi tháng lấy vài chục triệu mà không cần phải lo lắng và tính toán lời lỗ. Nếu tôi có ý định kinh doanh giáo dục, tôi sẽ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, như vậy tôi sẽ nhanh chóng thu hồi vốn và có lãi. Với tâm lý đó giáo dục mầm non rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn”, ông Hùng khẳng định. Dù đầu tư cho giáo dục mầm non không có lãi nhưng so với cả nước thì TP.HCM là đơn vị đứng đầu trong cả nước về sự phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non. “Có trên 70% kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non của dân, chỉ có chưa đầy 30% là của Nhà nước. Điều đó cho thấy vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non là rất lớn. Tuy nhiên, các cơ sở MNNCL vẫn chưa thật sự nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước…”. Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT bức xúc. Sự thiếu quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đối với sự tồn tại và phát triển của các cơ sở MNNCL đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Và nghiêm trọng nhất là các cơ sở này đã để xảy ra tình trạng chết cháu... “Thuế” trường nào cũng sợ! Có thể nói miễn giảm thuế là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục MNNCL. Có tới 90% các ý kiến trong hội thảo đưa ra đều cho rằng: Nhà nước cần giảm thuế đến mức tối đa (đóng 1% chứ không phải là 5% như TP.HCM đang áp dụng), hoặc miễn thuế đối với các cơ sở MNNCL. Bà Trần Thị Quế Nga bức xúc: “Các trường hoang mang và khiếp đảm khi nghe nhắc đến chữ “thuế”. Ai đời lại tính thuế trên tiền ăn của các cháu, tiền ăn là trường thu hộ và chi hộ, làm gì có lời lãi gì ở đây. Ba chữ “hóa đơn đỏ” cũng làm chúng tôi đau đầu. Mua 1-2 kg muối ở ngoài chợ thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ, mua thực phẩm thực chất hết có 90.000 đồng đòi một cái hóa đơn đỏ tự nhiên phải trả 100.000 đồng. Chúng tôi còn bao nhiêu việc phải làm, đâu có thời gian lo mấy cái hóa đơn đỏ. Khi Cục thuế quận bảo kê khai thuế, chúng tôi không biết kê khai như thế nào nên đã nói với các ông ấy là photo những điều cần biết rồi bán cho các trường. Mấy ông nói văn bản nhiều lắm, cỡ vài ký giấy... Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân, chúng tôi sẵn sàng chấp hành nhưng phải rõ ràng và dễ hiểu”. Bà Trần Thị Trí, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú kiến nghị: “Cần có chế độ, chính sách đối với trẻ học ở cơ sở MNNCL như trẻ học ở các trường công lập. Như vậy sẽ giảm được gánh nặng cho phụ huynh và cũng là cách để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở này…”. Ngoài chính sách hỗ trợ học sinh, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các chủ trường 7% (6% BHXH + 1% BHYT)/lương tháng/ GV như đang hỗ trợ đối với các trường công lập… Theo bà Trần Thị Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh thì “Thành phố cần tạo điều kiện về việc vay vốn kích cầu lãi suất thấp, hỗ trợ quỹ đất để các cá nhân có điều kiện mở trường…”. Từ những ý kiến, nguyện vọng của các đại biểu, bà Hồng Liên hứa sẽ trình lên UBND TP xem xét. “Riêng đối với học sinh, nhất là các cháu thuộc hộ gia đình nghèo, đề nghị các phòng giáo dục tham mưu với quận, huyện trích quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương để miễn, giảm học phí cho các cháu như ở trường công lập”, bà Liên chỉ đạo… ( Theo Báo Giáo Dục ) |