Hè về, lại lo chỗ chơi cho trẻ em Mùa hè đã về, nhiều điểm vui chơi dành cho trẻ đã kịp tung ra các chiêu khuyến mãi, đặc biệt nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 sắp tới. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đưa các em đến vui chơi.
Làm thế nào để các em có đủ sân chơi đang là nỗi lo, trăn trở của các bậc phụ huynh cũng như các cấp, các ngành. Toàn TP hiện có hơn 2.000 điểm vui chơi cho dành cho trẻ, nhưng chỉ 1/3 trong số đó có trang thiết bị. Một con số quá ít so với so với nhu cầu vui chơi của trẻ em Hà Nội. So với trước đây, năm nay Trung tâm văn hóa ở một số quận, huyện đã củng cố, mở thêm nhiều mô hình vui chơi giải trí lành mạnh nhưng chưa thể nào đáp ứng nhu cầu thực tế của trẻ em trên địa bàn. Đưa các em đến chơi ở các khu dân cư vẫn là lựa chọn số một của hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ. Thế nhưng, ở nhiều khu chung cư, sân chơi đã biến thành các điểm kinh doanh của các hộ gia đình từ kinh doanh hàng cơm, hàng nước, đến các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, thậm chí một số nơi còn bị các bà, các chị, cả những nam thanh nữ tú tụ tập đánh bài ăn tiền… ” Chính vì thế, những khu như Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự, Kim Liên, Văn Chương, Ngọc Khánh, Giảng Võ… những khoảng sân chơi dành cho thiếu nhi đang dần thu hẹp lại. Hay ngay như ở phường Hàng Gai, chỉ có hội trường khoảng 80m2 ở tầng 4 của UBND phường để các em tập văn nghệ. Bí quá, một số khu dân cư đã mượn sân trường tiểu học gần đó làm sân chơi, nơi sinh hoạt của các em mỗi dịp hè về. Các gia đình có điều kiện hơn chút, đưa con đến các cung Văn hóa, nhưng không phải lúc nào nhữngg nơi tưởng như chỉ dành cho trẻ vui chơi lại là địa chỉ của những hội chợ, mít tinh, các hoạt động quảng cáo… ồn ào. Tại Cung thiếu nhi Hà Nội nhiều năm qua luôn diễn ra tình trạng quá tải vào dịp hè vì ngay từ đầu hè, học sinh ồ ạt đăng ký sinh hoạt, con số này có lúc đạt mức gần 20 nghìn em. Hà Nội với gần 60 bể bơi nhưng cung vẫn không đủ cầu. Sự quá tải khiến nhiều người đã ví von những bể bơi ở TP là các “bể lội” bởi chỉ có thể tắm, lội chứ không thể bơi được do mật độ người quá dày đặc. Vì vậy, mới đầu hè, nhiều học sinh Thủ đô đã kéo nhau ra bãi giữa sông Hồng để tắm. Nơi đây đã từng xảy ra một số vụ chết đuối thương tâm . Thiếu chỗ chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích nên các quán trò chơi điện tử trở thành điểm đến “lý tưởng” của các em. Thử làm một cuộc khảo sát qua những điểm kinh doanh internet trên địa bàn TP và các huyện ngoại thành, nông thôn, có thể thấy khách ở đây phần đông là các em nhỏ ngồi chơi "game" và "chát". Có thể nói, số lượng con nghiện "game online" trẻ tuổi đang tăng lên nhanh chóng cùng số lượng không ít em phải đeo kính do thị lực giảm sút. Nguy hiểm hơn, nhiều ngõ hẻm của khu phố chợ là điểm tụ tập ồn ào của các em nhỏ trong ngày hè. Không có sự trông coi, quản lý của người lớn nên rất nguy hiểm đến tính mạng các em bởi tai nạn giao thông luôn rình rập. Một số gia đình đã phải tự tạo sân chơi cho con em mình ngay trên vỉa hè, hay những bãi cỏ ven đường bên cạnh dòng xe ồn ào xuôi ngược, bụi mù mịt. Thời điểm này, các quận, huyện cũng sắp tổ chức lễ vào hè cho trẻ em trên địa bàn, nhưng sau đó, tìm đâu ra chỗ chơi lành mạnh, an toàn, hiệu quả vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ từ năm này qua năm khác. ( Theo KTĐT ) |