Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hội chứng nhiễm rượu bào thai


Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ có đàn ông hút thuốc, uống bia, mà cánh chị em có người cũng phì phèo thuốc lá và nhâm nhi bia, rượu. Việc phụ nữ hút thuốc hay uống bia, rượu có thể ảnh hưởng xấu lên thai nhi.

Một lượng nhỏ cũng gây ảnh hưởng

Theo các bác sĩ nhi khoa, phụ nữ đang chuẩn bị mang thai cần cẩn thận với những loại thức uống có chứa cồn, kể cả đó là rượu bổ. Theo thông tin mới đây (đầu tháng 5) từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: những bé được sinh ra từ bà mẹ có uống rượu trong thời gian mang thai có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có "hội chứng nhiễm rượu ở bào thai".

+ Khi bé đã có những biểu hiện của hội chứng nhiễm rượu ở bào thai thì không thể chữa trị khỏi được, mà chỉ có thể chăm sóc, điều trị hỗ trợ, hoặc có những chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ.

+ Để phòng ngừa hội chứng nhiễm rượu ở bào thai, chị em không nên lạm dụng bia, rượu. Nếu đã dùng lâu nay thì nên ngưng dùng khi chuẩn bị có thai. Còn nếu đang có thai thì cần ngưng ngay việc uống bia, rượu.

Có nhiều người thắc mắc, nếu lúc mang thai, bà mẹ chỉ uống một lượng nhỏ rượu mỗi ngày thì thai nhi có bị ảnh hưởng gì không? Theo các bác sĩ, chỉ uống một lượng rượu nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lên thai nhi, bởi vì các nhà chuyên môn đã đưa ra tiêu chí về an toàn khi bà mẹ hoàn toàn không uống rượu trong suốt thời gian mang thai. Nếu uống một lượng lớn rượu trong một lúc sẽ khiến nồng độ rượu trong máu của người mẹ tăng lên rất nhanh, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Cho dù bà mẹ không uống rượu hằng ngày, nhưng uống nhiều trong một lúc cũng làm cho thai nhi có nguy cơ bị hội chứng nói trên. Vì thế chị em không nên uống các loại rượu và thức uống có cồn (bia, thức uống có pha rượu...) trong lúc chuẩn bị có thai và lúc đang mang thai.


* Tại hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp với 10 quốc gia tham dự diễn ra tại TP.HCM từ 15-16.5 vừa qua, báo cáo kết quả nghiên cứu (do Viện Dinh dưỡng quốc gia và một số trường đại học nước ngoài thực hiện) trên phụ nữ ở độ tuổi từ 15-49 tuổi tại Hà Nội và tỉnh Hải Dương cho thấy, tình trạng thiếu hụt các chất như  vitamin B12 và folate chiếm 63% - đây là nguyên nhân dẫn đến trẻ sinh ra bị khiếm khuyết ống dây thần kinh (nứt đốt sống chẻ đôi, hở hàm ếch). 

K.Vy

Trẻ mắc hội chứng nhiễm rượu bào thai

Những trẻ mắc hội chứng nhiễm rượu bào thai có những đặc điểm, biểu hiện như: trẻ có thể trạng nhỏ, nhẹ cân và thường có những khiếm khuyết bẩm sinh như chậm phát triển. Khi lớn lên trẻ có thể có những rối loạn về hành vi, nghiêm trọng hơn là chậm phát triển tâm thần. Tại Mỹ, hằng năm có khoảng hơn 1.000 trẻ sinh ra bị hội chứng nhiễm rượu bào thai, và đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng chậm phát triển tâm thần của trẻ em ở nước này. Rượu chính là nguyên nhân số một gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ, đứng trên cả hội chứng Down. Khi mẹ uống một lượng rượu bao nhiêu, thì thai nhi cũng "hưởng" bấy nhiêu, vì rượu theo máu đến thai nhi. Phụ nữ mang thai lạm dụng bia, rượu có thể làm suy dinh dưỡng thai nhi, gây thai chết lưu, tật bẩm sinh chậm phát triển, đần độn...

Các bà mẹ lỡ có thói quen uống bia, rượu nếu không tự bỏ được thì cần đến bác sĩ để có biện pháp hỗ trợ việc bỏ rượu.

Chi Mai