Xã hội hóa giáo dục mầm non tại TPHCM : Lợi nhuận thấp, khó thu hút đầu tư
Tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho trẻ Các cơ sở MN TT, DL phát triển nhanh từ năm 2005, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ rất cao của phụ huynh. Nhiều trường lớp MN TT, DL đã được đầu tư lớn, bài bản và có chất lượng phục vụ trẻ tốt, giúp giảm bớt áp lực quá tải ở các trường công lập. Thế nhưng, sự phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), nhà máy ở một số quận mới làm bùng nổ các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ), cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân. Các cơ sở này đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh nghèo nhưng chất lượng không đảm bảo vô hình trung làm GD MN ngoài công lập bị “vạ lây”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GD MN Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Với mức lương thấp, các bà mẹ chỉ có thể gửi con vào chỗ giữ trẻ có học phí rẻ nên xuất hiện các NTGĐ chất lượng chỉ ở mức trung bình, kém. Một số cơ sở có mặt bằng chật, phòng hẹp (15 - 20m2/lớp), thiếu sân chơi và thiếu ánh sáng, không đảm bảo an toàn, là nhà ở của gia đình cải tạo lại. Một số nơi ở ngay mặt tiền đường bị ồn và bụi… Đa phần các NTGĐ, lớp TT chỉ tuyển được GV qua đào tạo cấp tốc (1 tháng, 3 tháng). Mức thu các cơ sở này chỉ từ 200.000 – 500.000 đồng/trẻ/tháng, cá biệt có trường chỉ thu 120.000đ – 150.000 đồng/trẻ/tháng. Từ đó chất lượng không bảo đảm, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho trẻ. Muốn miễn thuế phải thực hiện... 39 loại sổ TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM chia sẻ: “Đầu tư vào ngành học MN có lợi nhuận thấp nhất so với đầu tư vào những ngành nghề khác, nên cũng dễ hiểu vì sao XHH MN rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn”. Nghịch lý trong XHH GD MN của TPHCM hiện nay là thiếu những trường tư chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ ngày càng tăng. Nhà đầu tư lớn không mặn mà cho các dự án GD MN. Bà Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng Trường MN DL Hoàng Mai, cho biết: “Trường MNDL Hoàng Mai nằm ở khu vực dân có thu nhập thấp nên mức thu học phí thấp. Trường hoạt động được 2 năm nhưng hiện nay bình quân bù lỗ để chi lương cho CB-GV-CNV 35 – 40 triệu đồng/tháng, bình quân một năm bù lỗ tới gần 500 triệu đồng. May mà trường có Công ty Him Lam đầu tư với phương châm “làm giáo dục chứ không phải kinh doanh giáo dục”. Nếu những nhà đầu tư lớn có vốn nên có thể “cầm cự” lâu dài được, thì những cá nhân mở trường vốn liếng có hạn đều hoạt động theo hình thức “ăn xổi, ở thì”. Đó là chưa kể chính sách thuế dành cho XHH GD chưa thật sự ưu đãi, vì ngoài nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng/năm, các cơ sở còn phải đóng mỗi tháng 5% doanh thu học phí. Thực tế lỗ nhưng nếu xin miễn thuế thì phải thực hiện 39 loại sổ theo Thông tư 140.000/2007/TT-BTC ngày 30-11-2007 của Bộ Tài chính. Dường như đang thiếu một sự bình đẳng trong thụ hưởng GD MN. TP còn hơn 14 phường ở vùng ven chưa có trường MN công lập. Chỉ thị 03 của UBND TP về chấn chỉnh nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non đã mở đường cho các quận xây dựng trường công. Nhưng số lượng nhóm trẻ tư nhân tập trung đông nhất vẫn là ở các quận ven (Tân Bình: 80 nhóm, Tân Phú: 96 nhóm, Q12: 68 nhóm, Hóc Môn: 53 nhóm…) với chất lượng nuôi dạy trẻ luôn gây hồi hộp cho các nhà quản lý. Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị: “Các phòng GD quận cần tham mưu với UBND có chế độ chính sách miễn giảm học phí cho HS nghèo ở các trường, lớp MN DL, TT. Bên cạnh đó, nhà nước cho vay vốn để đầu tư cải tạo cơ sở vật chất đối với những nơi có đủ điều kiện cấp phép, ưu đãi về đất, giảm thuế hoặc không nên thu thuế đối với các đơn vị mầm non tư thục”. ( Theo SGGP )
|