Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học lớp tăng cường ngoại ngữ: Khó hay dễ?


Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh (PH) muốn con em mình học ngoại ngữ ngay từ nhỏ để tạo nền tảng vững chắc sau này. Đáp ứng thực tế, tại TP.HCM có khá nhiều trường với nhiều mô hình khác nhau được phép giảng dạy chương trình tăng cường ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật. Khảo sát năng khiếu ngoại ngữ có khó không? Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) gọi kỳ tuyển học sinh (HS) vào các lớp đầu cấp chương trình tăng cường ngoại ngữ là khảo sát năng khiếu ngoại ngữ. Và có trải qua một buổi ngồi chờ bên ngoài các hội đồng khảo sát này mới thấu hiểu nỗi lo âu xen lẫn tự hào của PH dành cho con em mình. Tất nhiên đồng nghĩa với điều đó là gánh nặng tâm lý được đặt lên vai những sĩ tử nhí. Vào mùa tuyển sinh mỗi năm, Sở GD-DT cũng như Phòng GD-ĐT các quận, huyện đều khuyến cáo các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1. "Để đảm bảo sức khỏe cho các em, trường mầm non đã cho HS 5 tuổi làm quen với bảng chữ cái, toán học nhưng không dạy HS viết chữ, làm toán", bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT cho biết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuối học kỳ 2 sĩ số HS lớp Lá ở bậc Mầm non cứ "rơi rụng" dần với lý do đi học thêm. Có những bé chiều tan lớp được ba mẹ đón về cho ăn uống qua quýt rồi đưa đến lớp học, tối thì ngoại ngữ, tối thì làm toán, viết chữ... Bà Thanh lý giải: "Việc PH cho con em mình học thêm, ngành giáo dục không thể can thiệp. Về chuyên môn đào tạo thì yêu cầu với HS lớp 1 chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ và chất lượng giáo viên các lớp đầu cấp hay cuối cấp được các trường tiểu học quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, vì uy tín chất lượng đào tạo nên không trường nào cho phép để HS tự "bươn" vì không học kịp như PH lo lắng". Không như mọi năm, bắt đầu từ năm học 2005-2006, Sở quy định các trường có lớp tăng cường ngoại ngữ tự tổ chức khảo sát năng khiếu, do đó sau khi các trường tiểu học nhận HS theo phân tuyến quy định sẽ phát hồ sơ đăng ký dự thi và kế hoạch các trường trong mỗi quận sẽ tổ chức khảo sát chung ngày. Thông thường, các em sẽ được thử khả năng nghe, nói, phát âm bằng cách nghe băng ghi âm một từ tiếng Anh rồi lặp lại, nghe cô đọc rồi lặp lại để kiểm tra xem phát âm có giống không, có bị ngọng không? Tiếp đến là kiểm tra khả năng phân biệt bằng cách chỉ ra các từ giống nhau trong số những từ gần giống nhau được đưa ra. Theo cô Nguyễn Trần Diễm Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) thì: "Thực ra đây là kỳ kiểm tra với hình thức trò chuyện vui vẻ giữa giáo viên và HS để chọn ra những HS ham thích học ngoại ngữ, bên cạnh đó có thêm một số tố chất như phát âm tốt (không ngọng bởi quá trình giao tiếp sẽ bị phá vỡ nếu phát âm không chuẩn) rồi sau đó mới kể đến sự sáng dạ, tinh mắt dùng để ghi nhớ từ đã học và có năng lực tạo ra những lời nói khác tùy tình huống". Tuy nhiên cũng để tránh tình trạng "không bình tĩnh khó có thể phát huy khả năng" như lời một cô giáo nhiều năm làm giáo viên khảo sát thì với những câu hỏi không có nội dung kiến thức, dựa hoàn toàn vào khả năng của trẻ thì việc PH chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho con em mình là tốt nhưng nó không được vượt ngưỡng khả năng tiếp thu cho phép dẫn đến quá tải. Một số trung tâm giảng dạy Anh ngữ nắm bắt được cơ hội đã tổ chức những lớp Anh ngữ thiếu nhi chủ yếu sử dụng hình thức sinh hoạt vui nhộn giúp HS tự làm quen, tự bộc lộ và phát triển năng khiếu của mình. Lộ trình mới cho HS lớp tăng cường ngoại ngữ Đối với những bậc học cao hơn thì việc HS trải qua kỳ khảo sát năng khiếu cũng không gặp nhiều khó khăn vì dù sao các em cũng đã có vốn kiến thức và kinh nghiệm thi cử. Ngoài ra, ở lớp 6 có 2 lộ trình tăng cường ngoại ngữ dành cho 2 đối tượng đã học hoặc bắt đầu theo học ngoại ngữ. Ở bậc THPT thì ngoài các lớp chuyên ngoại ngữ còn có những trường mở lớp tăng cường, hay như Trường Trung học Quốc tế Sài Gòn (S.I.C) của Nhà nước thì dạy song song 2 chương trình của Bộ GD-ĐT và của Úc, chính thức tuyển sinh từ năm học này (như Thanh Niên đã đưa tin ở các số báo trước). Mặt khác, nếu như PH dự báo khó có thể cho trẻ vào các trường công lập, bán công có lớp tăng cường nên chọn giải pháp cho trẻ vào học trường dân lập để học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Các trường này không tham gia chính thức vào chương trình tăng cường nhưng dạy ngoại ngữ theo yêu cầu của PH, nhiều năm qua vẫn được tín nhiệm. Chẳng hạn, Trường Tiểu học dân lập Quốc tế Việt Úc (Q.3) thiết kế chương trình tiếng Anh đặc biệt dành cho HS Việt Nam với giáo viên bản xứ để hết lớp 5, các em có đủ trình độ Anh ngữ, văn hóa để liên thông học thẳng các trường trung học quốc tế. Hay Trường Tiểu học dân lập Quốc tế (Q.3) thì hầu hết HS lớp 5 đều thi đạt chứng chỉ Anh ngữ quốc tế... Thanh Niên