Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục trẻ từ 3-5 tuổi



11 bí quyết giúp con kết bạn

Từ 3-5 tuổi bé trở nên năng động, độc lập và có thể tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài. Sự kết giao bạn bè là một trong những phương thức quan trọng giúp bé tự tin hòa nhập vào cuộc sống rộng lớn quanh mình. Bé luôn cần đến sự định hướng từ cha mẹ. Sự hỗ trợ của cha mẹ lúc này rất quan trọng. Dưới đây là 11 cách bạn có thể giúp bé kết bạn:

1. Cho phép bạn của con đến nhà chơi: Bạn có thể bắt đầu bằng việc cho phép các bé đồng trang lứa hoặc lớn hơn đến nhà chơi. Những trẻ lớn sẽ giúp bé hòa nhập nhanh hơn.

2. Cho trẻ chơi trong khoảng thời gian thích hợp: Để trẻ chơi với bạn trong khoảng thời gian từ 1-2 giờ là đủ với các bé ở độ tuổi này. Bạn không nên để bé chơi nhiều hơn vì sẽ dễ làm cho trẻ mệt mỏi, mất sức.

3. Lên kế hoạch tổ chức trò chơi cho bé: Định hướng những trẻ cùng chơi với bé vào những trò chơi hay hoạt động mà con bạn thích và có năng khiếu. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và tự tin vào khả năng của mình. Nên cho bé và các bạn nhiều loại đồ chơi khác nhau nhưng điều quan trọng là những trò chơi này phải mang tính giáo dục cao. Như vậy, các bé sẽ chơi ngoan hơn và tránh trường hợp tranh giành lẫn nhau.

4. Thường xuyên để mắt đến trẻ: Bạn không nên để bé và các bạn tự chơi với nhau. Sự hướng dẫn từ phía người lớn sẽ giúp các bé tiếp xúc với nhau dễ dàng hơn, đặc biệt trong lần lần đầu chơi với nhau. Bạn cần luôn sẵn sàng để giúp các bé giải quyết khi xảy ra tình trạng tranh giành đồ chơi. Khi đó, bạn nên tách bọn trẻ ra, buộc các bé dừng chơi hoặc đổi một sang hoạt động khác như vẽ, tô màu, chơi trốn tìm... Tuy nhiên, bạn nên cư xử một cách khách quan và công bằng, tránh can thiệp quá sâu vào việc chơi đùa của trẻ.

5. Lập thời gian biểu cho bé: Để giúp bé phát triển tình bạn với những trẻ khác, bạn nên sắp xếp một thời gian gặp gỡ cố định trong tuần giữa chúng với nhau. Nếu các bé tỏ ra hợp nhau, bạn có thể bàn với cha mẹ các bé kia cùng gặp gỡ ở công viên, sân chơi hay ở nhà một trẻ khác trong nhóm. Khi bọn trẻ có thể tự chơi với nhau một cách thuận hòa, bạn nên để con chơi đùa một cách độc lập. Để con ở lại nhà bạn mà khong cần đến sự có mặt của bạn, bắt đầu từ những quãng thời gian ngắn, dần dần thì dài hơn.

6. Trở thành bạn cùng chơi với con: Hãy dành những khoảng thời gian ít biến đổi để chơi đùa cùng con, chỉ có bạn với bé mà thôi. Đây là cơ hội để bạn hiểu những thiên hướng cá nhân của bé và giúp con định hướng những kỹ năng giao tiếp. Chẳng hạn nếu những trò đố vui hoặc những họat động đòi hỏi nhiều sự tập trung khiến con bạn dễ chán nản và thất vọng, bạn nên loại chúng ra khỏi danh sách những trò chơi dành cho bé.

7. Cho bé làm bạn với vật nuôi: Một số trẻ ở độ tuổi này tỏ ra chưa sẵn sàng hòa nhập với bạn bè. Nếu bé cứ bám riết lấy bạn không chịu rời, bạn có thể cho bé làm bạn với một con thú cưng (chó, mèo…). Chơi với động vật cũng là cách giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội mà không khiến trẻ sợ hãi trong khi vẫn còn e dè trong việc chơi với bạn.

8. Tập cho con khả năng quan sát: Bé có thể học tập các kỹ năng hòa nhập với cộng đồng qua việc xem ti-vi hay đọc sách. Việc tiếp xúc với những phương tiện đó cũng khuyến khích phần nào những khả năng tích cực trong giao tiếp ở trẻ.

9. Giúp con học tập từ những "tấm gương sống": Khi con bạn bắt đầu có xu hướng chú ý và bắt chước theo hành động của những người lớn, bạn nên để con tiếp xúc với những "người mẫu" mà bạn cảm thấy yên tâm: có thể đó là bạn bè thân của bạn, người bạn quen biết, tin tưởng và nếu họ đã từng có kinh nghiệm nuôi dạy con thì thật lý tưởng.

10. Cố gắng đừng đặt nhiều kỳ vọng cho trẻ: Ở độ tuổi này, trẻ thường chơi cạnh nhau, bắt chước lẫn nhau hơn là chơi cùng nhau. Nếu trẻ cảm thấy bị áp lực từ việc chơi với bạn thì mọi cố gắng giúp bé hòa nhập có thể trở nên vô nghĩa. Lúc này bé chỉ cảm thấy không an toàn khi ở bên các trẻ khác. Bé cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng bố mẹ đã đặt mình vào một nơi không thích hợp. Bé sẽ trở nên sợ hãi hoặc tệ hơn là giận dỗi, quấy khóc. Bố mẹ không nên buộc trẻ phải hòa nhập với các hoạt động xã hội, hãy để bé tự chọn lấy những gì mình thích do bé còn quá nhỏ. Bạn không cần phải giúp bé xây dựng tình bạn, nhưng có thể dần hỗ trợ con trong những bước phát triển ở giai đoạn đầu đời.

11. Cố gắng giúp con: Ở độ tuổi này, sự e ngại hay khó khăn trong việc kết giao bạn bè là những biểu hiện bình thường ở trẻ. Song, bên cạnh đó bạn cần lưu ý một số biểu hiện bất bình thường trong cách ứng xử của bé. Nếu con bạn ít tỏ ra quan tâm đến những người xung quanh, lãnh đạm, quấy khóc bất cứ khi nào có trẻ khác ở xung quanh hoặc tỏ ra hoảng sợ khi đến trường, bạn cần xin ý kiến tư vấn của bác sĩ nhi khoa.

Theo Webtretho