Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiếng hát Măng non Truyền hình 2005: Sân chơi đang đổi mới


Vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Tiếng hát măng non truyền hình đã khép lại vào tối qua (29-6). Nhìn chung, cuộc thi năm nay được đầu tư kỹ, có chất lượng, vui tươi và bổ ích hơn... Cách làm mới của êkip mới Vẫn là một cuộc thi hát trên truyền hình dành cho thiếu nhi do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức, nhưng êkip thực hiện cuộc thi năm nay là ban thiếu nhi (được Đài truyền hình TP thành lập từ tháng 6-2004) thay cho phòng ca nhạc. Vì là chương trình “đinh” nên cuộc thi được ban thiếu nhi đầu tư kỹ càng với nhiều điểm mới lạ, khác biệt. Trước hết là ngay từ những vòng đầu (sơ khảo, bán kết) cuộc thi đã được tổ chức tại những địa điểm đẹp, đủ tiêu chuẩn để các thí sinh (TS) trình diễn (NVH Thanh niên). Vòng chung kết 1 và vòng chung kết xếp hạng được tổ chức tại nhà hát Bến Thành và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng được dàn dựng đúng kiểu một chương trình nghệ thuật qui mô, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được “chất thiếu nhi”. Các TS không chỉ lên sân khấu hát mà còn giao lưu với khán giả và ban giám khảo. Ban tổ chức cũng nỗ lực thực hiện các hoạt động bên lề như quay “Nhật ký” ở mỗi ngày thi và phát liền trong ngày, tổ chức buổi picnic tại công viên Tao Đàn sau vòng thi bán kết để các em, các đội nhóm có dịp vui chơi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau... Để “dụ dỗ” bạn xem đài hơn nữa, ban tổ chức cũng tăng cường thêm phần giải thưởng dành cho khán giả, gồm các giải dự đoán TS có điểm cao nhất vòng chung kết 1, vòng chung kết 2, giải TS được khán giả bình chọn nhiều nhất... thông qua điện thoại và tin nhắn ở số 19001790. Phía sau hậu trường Để vào tới vòng chung kết, các TS nhỏ tuổi cũng tập luyện cực khổ và nhiều âu lo không thua gì các TS lớn ở những cuộc thi “cấp cao” hơn. Nhưng theo lời nhạc sĩ Vũ Hoàng - trưởng ban giám khảo - năm nay các TS được thầy cô và gia đình chuẩn bị chu đáo hơn mọi năm. Cho nên trước giờ diễn, chị Bảo Trâm - chuyên viên trang điểm cho các TS - gần như “thất nghiệp” bởi em nào cũng được người thân “tô vẽ” cẩn thận. Lượng TS dự thi cũng khá đông: 500 em! Điểm đáng chú ý nữa ở cuộc thi Tiếng hát măng non truyền hình 2005 là TS thuộc các nhà thiếu nhi ở các quận huyện xa của TP.HCM như 2, 12, Cần Giờ; tỉnh bạn như Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương... dự thi đông và đạt nhiều thành tích tốt. Các TS đến từ nơi xa như Như Hảo (Tây Ninh), Lam Vy (Q.12) cho thấy nhiều triển vọng. Tuy nhiên, Nhà Thiếu nhi Q.3 vẫn là đơn vị có số TS lọt vào vòng chung kết nhiều nhất: hai TS ở bảng A và ba nhóm (chín TS) ở bảng B. Đây cũng là đơn vị có lượng cổ động viên đông vui nhất ở các vòng thi. Riêng Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang thì chọn ba TS “gà nòi” Trần Phát Đạt, Dương Hoàng Oanh, Nguyễn Thị Bích Loan đều từng đoạt rất nhiều giải thưởng ca hát thiếu nhi ở địa phương và trung ương. Bà ngoại của Bích Loan tâm sự: “Mỗi lần xem con nhỏ thi là muốn... rớt tim!”. Thế nhưng các em lại rất tự tin. Có thể nói cuộc thi Tiếng hát măng non truyền hình năm nay với những đổi mới trên là nỗ lực đáng khích lệ của những người thực hiện chương trình - một chương trình thi trên truyền hình hiếm hoi không có nhà tài trợ. Kết thúc tốt đẹp cuộc thi Tiếng hát măng non truyền hình Kết quả: giải nhất bảng A được trao cho Nguyễn Lam Vy thuộc Nhà Thiếu nhi quận 12, với số điểm 19,37. Giải nhì và ba thuộc về Trần Thị Như Hảo (Tây Ninh) và Vũ Quang Duy (Q.3). Ở bảng B, giải nhất về tay nhóm Thảo Anh, Thanh Phương, Thùy Trang (Tây Ninh) với số điểm 19,43. Giải nhì và ba được trao cho nhóm Thùy Dung, Bảo Ngọc, Cẩm Tú (Q.3) và Mỹ Kim, Thanh Nhã, Kim Thương (Q.2). Ngoài ra ban tổ chức còn trao một số giải thưởng phụ. Tuổi trẻ