Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi: Không nên quá lo lắng hoặc chủ quan


Bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết năm trước vào thời điểm này các bác sĩ còn có thời gian rảnh để chuẩn bị cho đợt điều trị bệnh sốt xuất huyết (bệnh gặp nhiều trong mùa mưa). Năm nay, số bệnh nhân nhập viện tăng cao đột ngột (khoảng 130 trẻ/ngày), trong đó có rất nhiều trẻ bị nhiễm siêu vi (dân gian thường gọi là cảm cúm). Số trẻ đến khám tại 2 BV nhi của TPHCM những ngày qua đạt mức kỷ lục. Tại BV Nhi Đồng 1 có ngày lên tới hơn 4.600 trẻ đến khám và ở BV Nhi Đồng 2 là hơn 3.800 trẻ. Điều đáng lưu ý là rất nhiều trẻ trong số này mắc bệnh nhiễm siêu vi. Mùa nhiễm siêu vi Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, giải thích hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa nên môi trường rất thuận lợi cho siêu vi phát triển. Hơn nữa, vào giai đoạn chuyển mùa sức đề kháng của cơ thể trẻ lại kém nên rất dễ mắc bệnh. Bác sĩ Khanh khẳng định hiện đang là mùa của bệnh nhiễm siêu vi. Siêu vi có rất nhiều loại nhưng hiện mới chỉ xác định được một số loại. Nhiễm siêu vi là bệnh cấp tính, lây lan nhanh. Biểu hiện thường gặp nhất là trẻ sốt cao đột ngột (39oC-40oC), biếng ăn, đau cơ, mệt mỏi... Siêu vi có thể tấn công vào cơ thể trẻ qua 3 đường: 1. Hô hấp (trẻ sẽ có biểu hiện ho, sổ mũi...); 2. Tiêu hóa (có biểu hiện tiêu chảy, nôn ói); 3. Qua da do muỗi chích (sốt cao, ít kèm theo ho). Trẻ dưới 6 tuổi thường bị nhiễm siêu vi do sức đề kháng kém, còn người lớn ít bị nhiễm bệnh này vì lúc nhỏ từng mắc bệnh nên đã miễn dịch. Thấy dấu hiệu lạ, đưa trẻ đến BV ngay Trên thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ tỏ ra rất lo lắng khi thấy trẻ sốt cao. Ngược lại, có người lại quá thờ ơ vì cho rằng bệnh nhiễm siêu vi có thể tự khỏi. Theo bác sĩ Khanh thì cả 2 thái độ này đều không đúng. Thật ra phần lớn trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi sẽ tự khỏi, nên các bà mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu. Với trẻ bị ho nên cho uống thuốc giảm ho thông thường. Tuy nhiên, cũng phải theo dõi những biến chứng và dấu hiệu của bội nhiễm vi trùng như co giật, lừ đừ thay đổi tri giác, thở co lõm, tím tái, sốt quá cao mà không thể hạ sốt, nôn ói nhiều, trong phân có máu, mắt trũng, xuất hiện những chấm xuất huyết ở da. Khi thấy trẻ có một trong những biểu hiện này cần đưa trẻ đến nhập viện ngay để tránh những hậu quả nặng nề. Để trẻ ít có nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi, bác sĩ Việt khuyên các bậc cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh, giữ ấm cho trẻ, không để trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. Khi thấy trẻ sốt cao nên đưa trẻ đi khám để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết, viêm não... Người Lao Động