Không giống như đọc chữ, đọc nhạc là một kỹ năng rất khó trong quá trình học nhạc.
(ảnh sưu tầm)
• Duy trì giờ học đều đặn: Đây thực sự là một việc làm đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của bạn để bé có thể nhập môn tốt nhất. Thông thường khi học nhạc cụ, các bé chỉ học với thầy từ một đến hai tiết trong một tuần, trong khi đó ngoài những kỹ năng diễn tấu trên nhạc cụ, bé còn phải tiếp nhận kiến thức của rất nhiều môn học khác như: nhạc lí cơ bản, đọc nhạc, nghe nhạc, phân tích tác phẩm... thì mới có thể diễn được một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Vì vậy việc bé đi học đều sẽ giúp bé được ôn lại những kiến thức cũ, tiếp thu những kiến thức mới đều đặn, có hệ thống, và vận dụng nó có hiệu quả nhất. Việc làm này khiến cho dòng chảy tri thức âm nhạc trong tư duy của bé được duy trì liên tục và có tác động rất tích cực đối với sự phát triển về mặt sinh học cũng như tâm hồn của bé. Một điều rất quan trọng nữa là khi bạn giúp bé đi học đều, bé sẽ cảm nhận được sự cố gắng cũng như thái độ nghiêm túc của cha mẹ trong việc học tập nói chung và việc học đàn nói riêng. Chắc chắn bé sẽ “đồng thuận” với cha mẹ trên con đường tiến vào thế giới âm nhạc tuyệt vời. • Tập luyện hằng ngày: Do đặc thù của môn học nên cách thức học và việc luyện tập thường xuyên ở nhà là một việc đặc biệt cần thiết. Học nhạc đòi hỏi sự nhẫn nại rất cao của người học. Trong khi khoảng cách giữa hai buổi học thường là bốn ngày hoặc một tuần nên nếu không luyện tập hằng ngày thì bé rất dễ quên những kiến thức đã học. Việc “quên quên, nhớ nhớ” khiến tư duy của bé dường như không mạch lạc và tâm lí chán học có thể xảy đến. Vậy làm thế nào để bé có được sự chăm chỉ luyện tập hằng ngày? Bạn hãy cùng bé tập đàn đều đặn mỗi ngày vào một thời gian và thời lượng thích hợp (nhất là giai đoạn khi bé bắt đầu học). Bằng nhiều cách khác nhau bạn cùng bé thực hiện bằng được những bài học một cách lưu loát để tạo cho bé cảm giác học đàn không khó (thực sự là rất khó). Khi hoàn thành được bài học, bé sẽ thấy hào hứng và tự tin học hơn. Dần dần, sự kiên trì của bạn sẽ được đền đáp bởi những bản nhạc vui tươi và sinh động do chính bé dành tặng cho bạn. • Giúp bé đọc nhạc: Không giống như đọc chữ, đọc nhạc là một kỹ năng rất khó trong quá trình học nhạc. Từ những bài học đầu tiên bé đã phải biết liên kết được độ cao (cao độ) và độ dài (trường độ) của các nốt nhạc cùng rất nhiều các ký hiệu âm nhạc khác thành những ý nhạc, câu nhạc trong tác phẩm âm nhạc rồi mới diễn tấu được trên nhạc cụ một tác phẩm hoàn chỉnh. Hầu hết các bé đều rất “ngại” đọc bởi tuy chỉ có bảy nốt nhạc cơ bản và một số ký hiệu âm nhạc khác (không nhiều), nhưng lại được trình bày rất phức tạp trên nhiều vị trí khác nhau trên khuông nhạc và thường với một kích cỡ không phù hợp lắm với sự nắm bắt của trẻ nhỏ nên các bé đều cảm thấy rất khó khăn trong việc rèn luyện kỹ năng này. Mặt khác, tư duy âm nhạc là tư duy trừu tượng nên khi đã đọc được ra rồi nhưng không được hướng dẫn tỉ mỉ thì bé cũng khó tưởng tượng được các hình tượng âm nhạc của tác phẩm và bé cũng có thể không mấy hứng thú với bài học... Bạn hãy cùng các thày cố giúp bé vượt qua khó khăn này bằng những cách mà bạn cho là hợp lý nhất. Ví dụ như: tạo thêm các trò chơi với các nốt nhạc và các ký hiệu âm nhạc, luôn hát nốt khi tập đàn... Khi bé đã nắm vững được một số quy luật của môn đọc nhạc rồi thì việc học đàn của bé trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. • Khuyến khích và tạo những cơ hội cho bé biểu diễn: Khi bé đã thuộc một số tác phẩm (dù còn rất ngắn) bạn nên tạo cho bé những cơ hội được trình bày vì trẻ nhỏ vốn rất hồn nhiên, thường rất thích được trình bày những hiểu biết của mình. Bạn nên khuyến khích bé biểu diễn tặng mọi người trong các sinh hoạt vui vẻ của gia đình, bạn bè ở những cuộc sinh hoạt trường, lớp, hay địa phương... Khi bé đạt tới một trình độ diễn tấu nào đó, bạn có thể khuyến khích bé tham gia cuộc biểu diễn hay thi do các nhà văn hoá thiếu nhi... tổ chức. Sau những lần được trình diễn như vậy, kiến thức âm nhạc của bé sẽ vững vàng vì được thực hành và bé sẽ tự tin trong quan hệ giao tiếp và hoà nhập với các sinh hoạt mang tính tập thể một cách dễ dàng. • Tạo điều kiện cho bé được nghe nhạc thường xuyên: Ngày nay, các chương trình nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng dành cho trẻ thơ rất phong phú. Việc lựa chọn những chương trình phù hợp với tâm, sinh lý, với quỹ thời gian của bé để có thể đạt hiệu quả cao cho việc bồi dưỡng thẩm mĩ chung cũng như hỗ trợ cho việc học nhạc cụ của bé rất cần sự quan tâm của bạn. Bé nên được nghe nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Nếu bé học một nhạc cụ cổ điển thì bạn nên cho bé nghe những đĩa CD nhạc giao hưởng hoặc đi nghe hoà nhạc. Còn nếu bé học nhạc cụ dân tộc thì các chương trình dân ca, hoà tấu hay độc tấu nhạc cụ dân tộc là rất thích hợp... Được nghe nhiều phong cách âm nhạc phù hợp như vậy, bé sẽ thấy hình như đâu đó những “bóng dáng” quen thuộc trong bài học của mình. Chắc chắn bé sẽ chóng hiểu bài và có thể diễn tấu được những tác phẩm mang đúng phong cách thể loại mà bé tìm hiểu. Trên đây là một số trong rất nhiều kinh nghiệm để các bạn tham khảo, chúc các bạn cùng bé yêu của mình thành công trên con đường đồng hành cùng âm nhạc. Theo Bibi.Vn |