"Bông nhà em hai bữa cháo là hai lần phải đưa ra ngoài đường cho ăn. Đi ra ngoài cũng phải nhờ các chú dọa, có hôm bác giáo viên bảo nó không chịu ăn, bác xe ôm phải chìa dao ra doạ cắt mồm thì nó mới ăn hết".
Mẹ bé Bông và không ít ông bố, bà mẹ khác coi chuyện hù con là "bình thường", mà không nhận ra rằng chính mình đã đẩy đứa con bé bỏng của mình đến một nguy cơ về tâm lý. Người lớn cũng... sợ! Chị Thu Ngà (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) kể: "Một lần, tôi rủ cô bạn đi chơi, bạn tôi đồng ý nhưng con của bạn thì không. Bé Na nhất quyết không để mẹ đi vì bé rất sợ ma". Bạn tôi thú nhận: "Bé Na khá lì lợm, dọa nạt nào cũng không hiệu quả, chỉ doạ "ma bắt" là có kết quả tức thì. Tôi còn miêu tả tỉ mỉ con ma cà rồng chuyên hút máu người, mỗi khi gặp đứa trẻ con nào không vâng lời, sẽ giơ nanh vuốt bóp cổ, hút máu...''. Hù con là điều mà các bậc phụ huynh hay dùng khi dỗ trẻ
Chị Ngà chia sẻ: "Tội nghiệp thằng bé, đến người lớn như tôi, nghe còn nổi gai ốc, nói chi đến con trẻ". Chị Năm Liên (P3, Q.Gò Vấp) lại có kiểu hù con khác: "Con mà không ăn, chú công an sẽ bắt nhốt. Nếu lúc đó con còn cứng đầu, chú ấy sẽ bắn liền. Không ăn nhanh, mẹ bốc điện thoại kêu công an bây giờ". Nghe doạ như thế là đứa con trai 4 tuổi của chị vội vàng nuốt lấy nuốt để, mặt tái xanh. Đến lớp mẫu giáo, bé còn dùng lời của mẹ để hù lại bạn bè: "Cho mình mượn đồ chơi đi, không thì mình nói mẹ mình gọi chú công an bắt bỏ tù, bắn bể đầu". Vô tình, đứa trẻ rơi vào tình trạng hoang mang, còn hình ảnh chú công an thì bị xấu đi trong mắt trẻ con. Một trong những hình thức doạ phổ biến là dùng hình ảnh ông Ba bị. Ông Ba bị có nhiều "phiên bản" khác nhau, có lúc là ông già hung dữ, chuyên bắt trẻ con bỏ vào bao tải, quẳng xuống hố; khi là ông già bặm trợn chuyên đi xẻo thịt những đứa trẻ không vâng lời; cũng có thể là ông già chuyên đi bắt cóc trẻ em... Hai anh em Nam (5 tuổi) và Loan (3 tuổi) được cha mẹ giao nhiệm vụ giữ nhà. Cha mẹ vừa ra khỏi cửa là hai anh em vội vàng đóng kín hết cửa chính và cửa sổ. Sau đó, cả hai căng thẳng theo dõi bên ngoài qua khe cửa sổ, xem ông Ba bị nào đi qua hay không. Nam còn dặn em: "Em không được lên tiếng, lỡ ông Ba bị nghe thấy thì anh em mình tiêu tùng". Loan nghe anh nói, càng sợ hơn, muốn khóc nhưng không dám, đưa tay bụm miệng lại và núp sau lưng anh mình. Sở dĩ chuyện này xảy ra vì trước khi đi, muốn con ở nhà, cha mẹ của chúng đã dặn: "Phải đóng kín cửa, ai gọi cũng không được mở. Nếu ra khỏi nhà là bị ông Ba bị tóm ngay". Hù... cũng là phạm luật Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang (giảng viên trường Cán bộ TP.HCM) chia sẻ: "Sở dĩ người lớn hù trẻ con, vì không thể tạo ra điều gì khác khiến con sợ. Điều sai lầm ở đây là thay vì phụ huynh giúp con trẻ nghe lời bằng cách vâng phục, lại bắt trẻ phải nghe lời bằng cách sợ hãi. Phụ huynh cần biết, trẻ cũng có quyền được chăm sóc và bảo vệ, nếu phụ huynh hù con, là đã vi phạm luật. Việc hù con sẽ dẫn đến hai chiều hướng: một là con sợ, hai là con... lì hơn.Những đứa trẻ sợ hãi thì sẽ trở nên nhút nhát, tự ti; những đứa trẻ lì hơn thì càng tỏ ra bất hợp tác với cha mẹ. Sẽ có những trường hợp "lờn thuốc" trong việc hù dọa con, buộc cha mẹ phải tăng dần "liều lượng". Từ đó, thay vì thương yêu, đứa con chuyển sang căm ghét hoặc sợ hãi người lớn. Các phụ huynh cần có những quy định cụ thể để con trẻ làm theo, nếu làm không đúng thì biết cách tự chịu trách nhiệm để lần sau làm tốt hơn. Tâm hồn và trí tuệ trẻ cần được phát triển trong môi trường ôn hoà, giàu tình cảm và lành mạnh". ( Theo Tin Tức ) |