Phụ huynh chờ đợi trong... hy vọng Trẻ từ 3 tháng tuổi được đến trường mầm non công lập là ước mơ của nhiều gia đình. Các trường mầm non công lập nêu những cái khó khi Bộ GDĐT ra quyết định phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Các trường mầm non tư thục cũng viện cái khó. Phụ huynh chỉ biết... chờ đợi trong hy vọng. Nói chung, trẻ từ 3 tháng đến dưới 2 tuổi khó có điều kiện được đến trường mầm non theo đúng như Quyết định số 14. Cần có chính sách thoả đáng Hà Nội có gần 70 trường mầm non tư thục và dân lập trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, vẫn không có trường nào "dám" nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Hầu hết các trường tư thục hiện nay bắt đầu nhận trẻ từ 12 - 18 tháng với mức học phí trung bình trên 1 triệu đồng/ tháng. Cá biệt có một số trường ở Hà Nội nhận trẻ từ 6 tháng như Mầm non tư thục Đào Tiên (quận Đống Đa), Mầm non tư thục Như Ý (quận Thanh Xuân)... Khi được hỏi về việc nhận trẻ từ 3 tháng, đa số các trường đều có chung một nhận định: Không thể làm được. Bởi trẻ 3 tháng tuổi vẫn chủ yếu ăn sữa, luôn phải bế ẵm, sức đề kháng rất yếu, rất dễ ốm đau, đòi hỏi cô giáo phải thực sự sát sao và rất vất vả, trong khi đó, với mức lương như hiện nay (khoảng 1 triệu đồng/tháng) là không tương xứng. Với yêu cầu cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 3 tháng tuổi đòi hỏi mức học phí sẽ phải tăng rất cao. Một nghịch lý xảy ra, những gia đình buộc phải gửi con sớm thường có thu nhập thấp, bất đắc dĩ mới phải cho con gửi trẻ khi mới 3 tháng tuổi sẽ không chịu được mức học phí 1-2 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn. Có thể nói, chính xuất phát từ tình trạng cung không đủ cầu đã tạo nên "lỗ hổng" lớn trong việc chăm sóc trẻ ở độ tuổi mầm non. Chính lỗ hổng này tạo điều kiện cho sự ra đời của các nhóm trẻ gia đình không đạt chuẩn và phát triển vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Khi đề cập đến vấn đề này, một vị lãnh đạo của Sở GDĐT TPHCM cũng đã bày tỏ bức xúc: Do trường công không đáp ứng hết nhu cầu và trường dân lập, tư thục có chất lượng cao thì chi phí cũng cao nên dù biết thiếu an toàn nhưng nhiều gia đình vẫn phải "cắn răng" gửi con vào các nhóm trẻ gia đình. Trước thực trạng này, vị lãnh đạo này đã không ít lần lên tiếng kiến nghị về những điều bất hợp lý trong chủ trương nâng cao tỉ lệ trẻ ngoài công lập theo lộ trình xã hội hóa mà Bộ GDĐT đã đưa ra, trong khi chưa có chính sách thoả đáng đối với khối mầm non tư thục. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của ngành GD về kết quả 2 năm triển khai thực hiện xã hội hoá, Sở GDĐT TPHCM cũng phải nhìn nhận tình trạng trẻ học ở các nhóm trẻ gia đình còn thiếu an toàn. Và thống kê của ngành cũng cho biết, trong niên học 2007-2008, chưa tính đến các nhóm trẻ hoạt động "lậu" không giấy phép, thì địa bàn TPHCM cũng đã có 718 nhóm trẻ gia đình, đang chịu trách nhiệm chăm sóc cho xấp xỉ 1.400 trẻ. Và như lời lý giải của GĐ Sở GDĐT TPHCM - T.S Huỳnh Công Minh thì đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời khi các trường công chưa đáp ứng hết nhu cầu. Tuy nhiên, ngành cũng đã có chủ trương sẽ đóng cửa những nơi không đạt yêu cầu và thực hiện hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng chăm sóc cho những nhóm trẻ gia đình hoạt động tốt. Chị Đoàn Thị Ngọc - công nhân (CN) KCX Tân Thuận cho chúng tôi biết: Tôi đã vào làm CN may cho một Cty Nhật Bản đóng tại KCX Tân Thuận được 4 năm nay. Cũng vừa lập gia đình, có một cháu nhỏ, với tình cảnh vợ chồng "thân cô thế cô" không có ông bà nội ngoại để gửi cháu, lại cùng là CN nên thu nhập cũng chẳng được bao nên chúng tôi chỉ dám gửi đứa con 5 tháng tuổi của mình cho một nhóm trẻ ở gần nhà. Thú thật, gửi con vào những nhóm trẻ gia đình với mức phí phù hợp điều kiện kinh tế của tôi (500.000 đồng/tháng) nhưng tôi vẫn rất lo về sự an toàn sức khoẻ của con mình, bởi những cô bảo mẫu của các nhóm trẻ không có chuyên môn, và trong thực tế cũng đã xảy ra nhiều sự cố cho những đứa trẻ ở nhóm trẻ gia đình. Chính vì vậy, được gửi con vào trường công lập là điều ao ước của gia đình tôi hiện nay. Trước thực trạng này, thiết nghĩ "lối ra" phải là chính sách đầu tư mở rộng trường công, bên cạnh đó, lực lượng giáo viên phải được tăng cường đào tạo một cách bài bản, có như thế ngành GD mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ quan trọng này chứ không thể là một quy định suông là có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trông chờ và hy vọng Khi biết thông tin Bộ GDĐT yêu cầu các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng, khá nhiều bậc cha mẹ đã rất vui mừng, nhất là đối với những gia đình có thu nhập thấp. Dẫu sao, quan điểm của nhiều phụ huynh, gửi được con vào trường công lập vẫn yên tâm hơn, nhất là học phí cũng phù hợp với thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trước thực tế là các trường mầm non đều bày tỏ tính thiếu khả thi của QĐ 14 và đặt câu hỏi, nếu các trường công lập không nhận các cháu thì kêu ở đâu để được giải quyết. Theo ghi nhận của phóng viên, phụ huynh vui mừng và ủng hộ quyết định kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của xã hội này nhưng với thực tế của các trường mầm non hiện nay, chắc chắn việc nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là không thể thực hiện được, bởi vậy, các bậc phụ huynh vẫn chỉ có thể... hy vọng và trông đợi mà thôi.
( Theo Lao Động ) |