18001567 - số điện thoại 'kêu cứu' của trẻ em
Mẹ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan cách đây 2 năm, Huệ cùng 2 em sống cùng bố tại quê nhà. Người bố thường xuyên đánh mắng các con rất tàn nhẫn. Gia đình họ mạc biết chuyện, tuy thương xót nhưng không khuyên được vì ông ta rất ngang ngược. Riêng Huệ còn phải chịu nỗi đau bị bố xâm hại tình dục. Xấu hổ, uất ức, sợ hãi, đã nhiều lần cô bé nghĩ đến chuyện tự tử hoặc bỏ nhà ra đi. Rồi qua báo chí, em được biết có thể tìm sự giúp đỡ qua số điện thoại 18001567 nên đã thử gọi đến trong tâm trạng hoảng loạn. Các tư vấn viên một mặt hỏi kỹ và trấn an cháu, một mặt liên hệ với Hội Phụ nữ và cơ quan bảo vệ trẻ em ở Phú Thọ. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, mời ông bố ra làm việc và cam kết không bạo hành với con. Xã còn cử 2 công an thường xuyên giám sát nhà ông ta. Hiện nay Huệ và các em tạm thời được an toàn, vụ việc vẫn tiếp tục được theo dõi. 18001567 là số điện thoại miễn phí tư vấn, trợ giúp trẻ em của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh - xã hội, khai trương cách đây 4 năm. Cùng với Huệ, đã có hàng nghìn trẻ khác được can thiệp giúp đỡ qua số điện thoại này. Cháu Hương, 13 tuổi, ở Hưng Yên, là một ví dụ. Cháu bị một người hàng xóm xâm hại tình dục, vì quá hoảng sợ đã bị rối loạn tâm lý và gia đình phải gọi cầu cứu. Đường dây 18001567 đã thông báo với các cơ quan chức năng ở địa phương để xử lý tên yêu râu xanh, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương để kết hợp điều trị phục hồi tâm lý cho cháu. Hiện Hương đã ổn định tinh thần và vụ án của em đang được tòa án giải quyết. Ông Đặng Nam, Phó cục trưởng cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết, ngoài các trường hợp xâm hại tình dục, đường dây 18001567 còn nhận được đề nghị giúp đỡ nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành về thể chất hoặc tinh thần, bị bỏ rơi, ngược đãi hoặc bị tai nạn, đi lạc... Dù số điện thoại gọi đến thuộc tỉnh nào, họ cũng có thể kết nối với các cơ quan, tổ chức hay cá nhân có khả năng giúp đỡ ở địa phương để can thiệp, và theo dõi quá trình đó cho đến khi mọi chuyện kết thúc tốt đẹp. Có những trường hợp, họ phải theo dõi đến nửa năm. Không chỉ cứu giúp trẻ gặp nạn, 18001567 còn là người bạn tâm tình của trẻ, nơi gỡ rối tơ lòng và chia sẻ những thông tin, kiến thức mà các em cần (như sức khỏe, tâm sinh lý, quyền trẻ em...). Đã có 250.000 những băn khoăn, khúc mắc thường gặp nhất là mâu thuẫn trong quan hệ với cha mẹ, thầy cô, hay trục trặc với bạn bè, anh chị em. "Cháu thấy chán nản và ngột ngạt quá, chả thiết gì đến học hành nữa" - Hạnh, một thiếu nữ 16 tuổi ở TP HCM buồn bã gọi cho các tư vấn viên. Hạnh than thở là không thể tìm thấy tiếng nói chung với mẹ. Mẹ rất yêu thương và chiều theo mọi nhu cầu của em, nhưng cũng kiểm soát em quá ngặt nghèo như với một đứa trẻ. Tuy đã học lớp 11 nhưng ngày nào em cũng "được" mẹ chở đi học, không được phép tự đi. Bạn bè rủ đi chơi cũng không được, có điện thoại gọi đến thì mẹ đứng ngay cạnh để theo dõi cuộc nói chuyện. Cảm thấy quá ngột ngạt, Hạnh chán học và kết quả học tập sút kém hẳn. "Em biết mẹ rất lo lắng vì điều đó, nhưng không cần quan tâm, mặc kệ mẹ tự giải quyết". Nghe tâm sự của Hạnh, các tư vấn viên đã khuyên giải và hướng dẫn cho em cách thuyết phục mẹ xem mình là người lớn. Cũng qua tâm sự của những trẻ như Hạnh, các tư vấn viên hiểu thêm về đời sống tinh thần của trẻ em, tư vấn tốt hơn cho các bậc phụ huynh. Ông Nam cho biết, số điện thoại 18001567 hoạt động tất cả các ngày trong tuần, từ 7 đến 21 giờ. Tất cả các máy điện thoại ở 64 tỉnh thành đều có thể gọi trực tiếp mà không cần bấm mã số vùng. Trẻ em và người lớn đều có thể gọi qua số này vì mục đích bảo vệ trẻ em, từ việc tìm hiểu thông tin, nhờ tư vấn hay can thiệp. Trong trường hợp khẩn cấp (trẻ có nguy cơ bị xâm hại thân thể hay tinh thần, bị bạo hành, tai nạn...), các em có thể gọi nhờ điện thoại của bất kỳ gia đình hay hàng quán nào gần đó với lời giải thích là dịch vụ miễn phí. ( Theo VnExpress ) |