Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sốt xuất huyết tại TP HCM sẽ cao hơn năm trước.


Dự báo vừa được Sở Y tế TP HCM đưa ra khi căn cứ vào số ca mắc sốt xuất huyết cuối mùa dịch 2007 vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết trong những tháng đầu năm nay khá lý tưởng cho sự phát triển của muỗi.

Theo Sở Y tế TP HCM, mùa sốt xuất huyết thường bắt đầu từ tháng cao điểm vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm và lắng xuống trong các tháng 2, 3, 4 để bắt đầu vào mùa mới. Tuy nhiên biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết của sở lại cho thấy, số ca mắc bệnh cuối mùa dịch 2007 cụ thể là tháng 3, 4, 5 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tuần có khoảng 100 ca.

Cuối mùa dịch, Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 vẫn đầy bệnh nhân. (Ảnh: Thiên Chương)

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, hiện mỗi ngày, bệnh viện này vẫn có đến 40 ca phải điều trị nội trú vì sốt xuất huyết, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tình hình trên đã khiến Thạc sĩ Lê Bích Liên, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện nghi ngờ khi vào mùa bệnh mới, số ca mắc bệnh sẽ tăng cao, thậm chí rất cao.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tuy số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện không cao nhưng trung bình mỗi ngày cũng có đến 15 ca cần cấp cứu hoặc theo dõi điều trị. Số ca điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhiệt Đới cũng hơn 20 ca mỗi ngày.

Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Nguyễn Đắc Thọ cho biết, nguyên nhân khiến TP HCM tồn tại dịch quanh năm kể cả trong thời điểm đuôi dịch là do ngày càng có nhiều công trình xây dựng dở dang, nhiều khu dân nhập cư sống tạm bợ và tình hình vệ sinh môi trường chưa tốt. "Bên cạnh đó, tình hình thời tiết khí hậu bất thường như mùa mưa đến sớm, nhiệt độ nóng hoàn toàn phù hợp cho sự sinh sản và phát triển của muỗi gây bệnh", ông Thọ nói.

Ông Lương Chấn Quang, chuyên viên Dự án quốc gia phòng chống sốt xuất huyết thuộc Viện Pasteur TP HCM cũng cho biết, chu kỳ phát triển của muỗi trung bình từ 10 đến 15 ngày, tuy nhiên nếu trong điều kiện nhiệt độ nóng lại có mưa như ở TP HCM trứng muỗi có thể nở chỉ trong 7 ngày.

Ông Quang cho biết thêm, hiện sốt xuất huyết tại một số tỉnh khu vực phía Nam đã bắt đầu vào mùa dịch mới, cụ thể như tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau, Bình Phước số ca mắc sốt xuất huyết cao đang tăng cao. Đặc biệt tại Bình Phước, chỉ trong hai tuần qua, số ca mắc bệnh tăng đột biến từ không có ca nào lên đến 41 ca.

Đề phòng bệnh có thể đến từ các tỉnh lân cận, trong tuần tới, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM sẽ tiến hành phun xịt hóa chất diệt muỗi và lăng quăng trên diện rộng. Tuy nhiên cũng theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám trung tâm, ý thức phòng bệnh của người dân cụ thể như tiêu diệt lăng quăng, giăng mùng khi ngủ, vệ sinh môi trường sống... vẫn là quan trọng nhất.

Thống kê của Sở Y tế TP HCM từ đầu năm 2008 cho thấy, loại virus gây sốt xuất huyết chủ yếu vẫn là D1, giống với virus gây bệnh ở mùa dịch trước.

Sốt xuất huyết vốn do 4 loại virus D1, D2, D3 và D4 gây nên. Người từng bị D1 tấn công sẽ không thể bị D1 tấn công nữa nhưng vẫn có thể bị mắc bệnh do 3 loại virus còn lại. Người bị mắc bệnh những lần sau, thường bị biến chứng nặng hơn lần trước nên cần phải đề phòng bệnh.

( Theo Tin Tức )