Bài 1: Phụ huynh mừng, nhà trường lo.
Trẻ dưới hai tuổi... bị bỏ quên Khi nền kinh tế bước vào cơ chế thị trường thì hệ thống giáo dục mầm non cũng chuyển đổi theo, nghĩa là các trường mầm non công lập chủ yếu chỉ tiếp nhận trẻ từ 18 tháng trở lên (riêng ở một số nông trường, xí nghiệp, quân đội vẫn còn duy trì mô hình nhà trẻ theo nhu cầu của phụ huynh). Điều đó dẫn đến hệ luỵ, trẻ em dưới 18 tháng tuổi thì gia đình tự lo. Vì vậy, nhiều gia đình không có điều kiện để chăm sóc con tại nhà đành phải gửi đến nhóm trẻ gia đình, mặc dù phụ huynh nào cũng lo lắng, bởi thực tế các nhóm trẻ chủ yếu trông trẻ là chính, còn việc chăm sóc, chất lượng bữa ăn... phó mặc cho nhóm trẻ. Không ít hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng đã xảy ra đối với trẻ em được gửi tại các nhóm trẻ gia đình mà báo giới đã lên tiếng. "Của đau, con xót", biết vậy nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh vẫn phải chấp nhận, nếu không ai trông con cho để đi làm. Đặc biệt là đối tượng lao động có thu nhập thấp. Mô hình nhà trẻ công lập dường như đã "biến mất" kể từ ngày 16.2.1987 khi sáp nhập Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em T.Ư với Bộ GDĐT, hệ thống nhà trẻ nằm trong hệ thống giáo dục mầm non. Và như chúng tôi đã đề cập, để tìm được một trường mầm non đồng ý tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi rất hiếm. Theo giải thích của hiệu trường trường mầm non A.H, nguyên nhân mô hình nhà trẻ bị "biến mất" là do tác động của thị trường, các gia đình chủ yếu có hai con, điều kiện kinh tế khá dần, tâm lý thương con, lo lắng khi gửi con mới 3 tháng tuổi vào nhà trẻ còn quá bé... dần dần tỉ lệ phụ huynh gửi con từ 3 tháng tuổi ngày một giảm. Vì vậy, các trường mầm non cũng "điều tiết" theo nhu cầu thực tế. Vị hiệu trưởng này cũng đã tiết lộ những ngại ngần khi phải chăm sóc trẻ còn quá bé (từ 3 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi), mỗi cô chỉ chăm sóc được khoảng từ 5 đến 6 cháu, việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu bé tháng tuổi cũng khó khăn, vất vả hơn, trường công lập thì lại khống chế tỉ lệ biên chế... Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong giáo trình đào tạo GV mẫu giáo, mầm non của Bộ GDĐT và Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ GDĐT) vẫn có chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi. Lứa tuổi nhà trẻ được vào trường mầm non tỉ lệ này chỉ xấp xỉ 20%. Tiến thoái lưỡng nan Theo quyết định của Bộ GDĐT thì các trường mầm non đều sẽ phải thực hiện, tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 3 tháng tuổi. Cả một thời gian khá dài đối tượng trẻ từ 3 tháng tuổi đã được "đến lớp" bị lãng quên, nay được "hồi phục" đã đẩy các trường mầm non vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan"). Không thực hiện thì bị "tố" là không thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của bộ, còn thực hiện sẽ vướng phải những khó khăn như đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Theo ghi nhận của PV, hầu hết các trường mầm non hiện đều chưa có đủ khả năng cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ GV để có thể tiếp nhận trẻ 3 tháng tuổi, kể cả trường công lẫn trường tư. Bà Phạm Ngọc Thủy - Phó phòng GDĐT quận Ba Đình - cho biết, các trường mầm non hiện nay đang phải ưu tiên để nhận trẻ 5 tuổi, tiếp đó là trẻ 3-4 tuổi, trường nào có điều kiện mới nhận trẻ nhỏ hơn. Hiện nay toàn quận có 18 đơn vị nhận trẻ mầm non, trường nào có điều kiện mới lập đủ 3 nhóm lớp, trong đó lớp trẻ nhỏ nhất là từ 24-36 tháng. Để tiếp nhận trẻ từ 3 tháng, yêu cầu đầu tiên phải có phòng rộng đủ tiêu chuẩn, cách biệt với các lớp trẻ lớn, phải có cũi riêng cho từng cháu. Ở độ tuổi dưới 18 tháng, trẻ cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phải hoàn toàn khác biệt, phải có nhân viên y tế tại chỗ...
( Theo Lao Động ) |