Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sự cần thiết của đồ dùng đồ chơi đối với trẻ mầm non.


Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ của GDMN là nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Mục tiêu GDMN là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Phương pháp GDMN chủ yếu là thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp trẻ phát triển toàn diện. Vui chơi là hoạt động chủ đạo trong các trường, lớp mầm non. Để thực hiện hoạt động vui chơi phải có đồ dùng đồ chơi.

Đồ dùng đồ chơi (ĐDĐC) có tác dụng lớn lao đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Chính những đồ chơi này giúp trẻ được thao tác, được hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, được phát triển cân đối hài hòa, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện.

Trẻ nhỏ cần rất nhiều cơ hội để học và khám phá thông qua việc chúng chơi hàng ngày. Chơi là cách học phù hợp nhất khi chúng ta muốn trẻ tìm tòi khám phá cho bản thân chúng. Qua chơi trẻ được phát triển hiểu biết, kỹ năng trong rất nhiều tình huống khác nhau. Đồ chơi là yếu tố thúc đẩy trẻ em thực hiện nhiều hành động và thao tác khác nhau có tác dụng rèn luyện thể lực cho trẻ.

Đối với trẻ em, đồ chơi cũng giống như cuốc cày đối với người nông dân, máy móc đối với người công nhân, là phòng thí nghiệm đối với nhà khoa học.

Đồ chơi hết sức cần thiết đối với trẻ, nó có tác dụng và ý nghĩa thật to lớn và sâu sắc đối với trẻ độ tuổi mầm non, vì bất kể một trẻ em nào đều có nhu cầu chơi và rất yêu quí đồ chơi, chúng sống và hành động cùng với đồ chơi. Đồ chơi giúp trẻ em tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, nó giúp các em làm quen với những đặc điểm, tính chất của nhiều đồ vật, biết được công dụng của chúng trong sinh hoạt và trong lao động của con người. Đồ chơi còn là phương tiện giúp trẻ phát hiện ra những mối quan hệ của người với người trong xã hội dần dần biết gia nhập vào các mối quan hệ đó. Hoạt động với đồ chơi vừa làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, vừa làm cho đôi bàn tay khéo léo, đôi chân dẻo dai cơ thể mềm mại, hình dáng phát triển cân đối hài hòa, vừa chuẩn bị cho trẻ vào học tiểu học vừa có thể tham gia tốt vào cuộc sống xã hội sau này.

Một số trường mầm non trong tỉnh Long An như: trường Mẫu giáo thị trấn Mộc Hoá, huyện Mộc Hoá; trường Mẫu giáo Hoa Sen, huyện Bến Lức; trường Mầm non bán công Sơn Ca, huyện Đức Hoà; trường Mẫu giáo Nhựt Ninh, Mẫu giáo Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, … đã không ngừng đầu tư, tìm kiếm các cơ hội và giải pháp, tạo ra các điều kiện mua sắm, trang bị, tự tạo ĐDĐC phục vụ cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trong nhà trường, đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua ĐDĐC trong lớp và ngoài trời chưa được quan tâm đúng mức, đồ dùng đồ chơi còn thiếu rất nhiều. Đồ chơi trong các lớp mẫu giáo ở thị xạ, thị trấn chỉ đạt 70%, nông thôn đạt 50% và ở vùng sâu vùng xa có rất ít. Nhiều trường, lớp chỉ có ĐDĐC tự tạo của giáo viên dùng để trưng bày, trẻ không được chơi. Đồ dùng đồ chơi ngoài trời thiếu nhiều ở các trường mầm non nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Có trường chỉ có một vài ba đồ chơi không thể đáp ứng yêu cầu vui chơi và phát triển thể chất cho trẻ.

Cán bộ quản lý GDMN nói chung, hiệu trưởng các trường mầm non nói riêng cần nhận thức được tầm quan trọng của ĐDĐC, chính nó đ• nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, từ đó có kế hoạch đầu tư về tài lực, vật lực cho hoạt động này.

Muốn vậy, hiệu trưởng các trường mầm non phải xác định ĐDĐC là phương tiện giáo dục trong trường mầm non, ĐDĐC trong trường MN được hiểu như là đồ dùng dạy học, đồng thời như là đồ chơi cho trẻ, phải quan tâm đến việc tạo ra ĐDĐC cho trẻ bằng cách.

Thứ nhất, phải có những giải pháp thiết thực tạo ra các điều kiện mua sắm, trang bị, tự tạo ĐDĐC phục vụ cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trong nhà trường, đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ.

Thứ hai, phải tổ chức cho giáo viên làm ĐDĐC với những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, những vật liệu phế thải trong sinh hoạt hàng ngày.Ví dụ như: mo cau, gáo dừa, tre, trúc, vỏ nghêu, sò, ốc, hến, chai nước khoáng, dầu gội, lon bia…

Thứ ba, đối với ĐDĐC ngoài trời và những ĐDĐC giáo viên không thể làm được trường phải xây dựng kế hoạch mua sắm cho trường mình. Ví dụ như: đu quay, cầu trượt, thang leo, bật bênh…

Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả ĐDĐC trong các trường mầm non để đảm bảo phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và có tác dụng đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện..

Huỳnh Thị Huệ
Trưởng phòng GDMN,
Sở Giáo dục và Đào tạo Long An