Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ ơi. Con muốn tự làm.


"Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá: óc tưởng tượng..." - Nguyễn Nhật Ánh

Nuôi nấng con khôn lớn không chỉ là cho con ăn đủ chất, được học hành tốt, mà còn phải tạo nền tảng vững chắc về tinh thần cho con. Một trong những chìa khóa quan trọng đó là luyện cho bé tính tự lập, điều mà các bậc phụ huynh có thể bắt đầu ngay từ lúc con mới 1-2 tuổi.
Không cho làm lấy

"Không cần đâu con… để mẹ làm cho", "Con để đấy mẹ xúc cơm cho, ấy ấy để mẹ cất bút cho…". Bạn cho rằng bé là cậu ấm, cô chiêu trong nhà, không cho con sờ vào bất cứ cái gì, xem con mãi chỉ là bé con và phải luôn theo sau bón cơm nước cho con.

Thế này hay hơn: "hãy để bé tự làm nấy"
Ở tuổi này bé đã biết tự làm một số thứ, hãy khuyến khích bé tự làm một số việc đơn giản. Bạn đừng nghĩ rằng con sẽ khổ bởi phải tự cầm thìa xúc thức ăn, tự cầm cốc uống nước và tự đưa bát ra chậu. Chẳng có đứa trẻ nào lại không thích tự làm việc này, việc kia giúp mẹ, vì tuổi này bé đang rất thích giống người lớn. Nếu việc gì bạn cũng làm hết, không để bé làm gì sẽ tạo cho con thói quen lười biếng, ỉ lại, sau này sẽ là đứa trẻ thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống. Khi bé không được thực tập sẽ thiếu tự tin khi làm một việc gì đó dù rất nhỏ. Dần dần bé sẽ nản chí và đi đến những kết luận tiêu cực kiểu như "không làm được thì thà không làm gì còn hơn"

Không cho thử chơi
"Con ơi đừng nghịch cát, xỏ dép vào đi, lại bẩn tay bây giờ"… "Cún ơi, sao lại vứt mũ xuống đất thế, ốm bây giờ, vào nhà ngay đi!"… Nếu lúc nào bạn cũng lo lắng thái quán như vậy thì chắc chắn là bé nhà bạn sẽ không thể có những giây phút chơi đùa thoải mái, sẽ không có được một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ đúng nghĩa.

Thế này hay hơn: "Cứ để cho bé chơi, bé thử, bé khám phá"
Nhiều lúc con nghịch ngợm nhảy từ trên giường xuống dưới đất, rồi trèo lên bàn ăn, chạy ngã cắm đầu xuống cũng chỉ là sự hiếu động của lứa tuổi này. Hãy để cho bé được tự do chạy nhảy, đùa nghịch bởi ngoài những niềm vui được nô đùa thì sự vận động chân tay cũng giúp bé phát triển thể lực tốt, chóng đói nên đến bữa bé sẽ ăn ngon miệng hơn. Rất nhiều gia đình cứ than phiền là bé chẳng chịu ăn dù đã thay đổi rất nhiều món cho bé đỡ ngán. Họ không hề nghi ngờ rằng chính việc không cho bé chạy nhảy, nô đùa đã làm cho bé trở nên biếng ăn do thiếu vận động.

Hãy để bé tự cầm thìa ăn - Ảnh: sưu tầm

Khi được tự do vui đùa bé có cơ hội tự suy nghĩ, phán đoán, dám làm và dám tự quyết định hành động của mình. Nếu có bị dây bẩn quần áo một chút, ngã đau một chút sẽ không có gì đáng lo ngại lắm mà sẽ là một bài học cho bé để lần sau bé sẽ cẩn thận hơn, khéo léo hơn. Việc "quậy phá" một tí cũng là những suy nghĩ mới mẻ giúp tăng cường và thúc đẩy trí tưởng tượng của bé, óc sáng tạo của bé cũng vì thế phát triển hơn.

Bố mẹ không nên quá lo lắng khi thấy trẻ hiếu động. Hãy chỉ là người trông coi con, đề phòng những nguy hiểm hay tai nạn mà thôi. Mẹ hãy đứng xa ra để con tự làm, để tạo cho con biết cách tự giải quyết các vấn đề. Những ngăn cản, cấm đoán thường xuyên của người lớn sẽ làm cho trẻ nghĩ rằng bản thân chúng không có khả năng, không dám quyết và cuối cùng cũng không dám làm, không dám khám phá bất cứ thứ gì mới lạ quanh mình nữa.

Không cho làm khác ý
"Nào nào đừng nghịch con! đừng nhảy như thế! Đừng có chơi bóng vào giờ này". Các bà mẹ trẻ thường có thói quen "lập trình" mọi thứ cho bé: từ chuyện ăn gì, mặc gì, chơi gì, làm gì… Nếu bé chơi không đúng trò mẹ cho phép, ăn không đúng giờ mẹ cho phép, nghịch những trò mà mẹ cho là không chấp nhận được thì ngay lập tức bé sẽ bị trách mắng, bị cấm đoán… Người lớn chúng ta nhiều khi không chịu hiểu rằng trẻ con không phải là « người lớn thu nhỏ » để có thể dùng lí trí hiểu và chấp nhận những nguyên tắc và quy định. Hơn nữa trẻ nhỏ có lối tư duy riêng không hề giống với suy nghĩ của người lớn chút nào.

Thế này hay hơn: "Hãy dể con tự chọn, tự quyết định"
Nếu tăng cơ hội cho con tự chọn, tạo cho con tập suy nghĩ độc lập và tự quyết định từ những việc nhỏ nhất, biết chọn những thứ, những việc phù hợp với con. Chẳng hạn trước khi chuẩn bị quần áo cho con mỗi ngày có thể hỏi con thích mặc bộ nào, con muốn mang giày nào, hay cho bé chọn những truyện bé thích rồi mẹ đọc cho bé chứ không tự áp đặt những cuốn sách đọc hằng đêm cho bé, cho con tự chọn đồ chơi, chọn các bạn chơi cùng với bé. Khi bé đã đưa ra sự lựa chọn của mình, mẹ nên chấp nhận và ủng hộ suy nghĩ của con, nếu không lần sau con không dám chọn, sẽ mất tự tin vào khả năng và gu thẩm mỹ của mình, gây sự ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của con sau này.

Theo tạp chí Mẹ và Bé