Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mỗi ngày có khoảng 35 trẻ em chết đuối.


Đằng sau tai nạn giao thông thì chết đuối xếp “hạng hai” trong việc cướp đi tính mạng của trẻ em. Theo điều tra của trường Đại học Y và tổ chức UNICEF, những tỉnh có tỷ lệ trẻ chết đuối cao là Đồng Tháp, Bắc Ninh, Ninh Bình...

Chuẩn bị cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2008 (diễn ra từ 15/6- 30/6), Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã có một cuộc tổng kết đưa ra tình hình tai nạn ở trẻ em. Theo đó chỉ trong năm 2005, trung bình mỗi tỉnh có từ 7 đến 25 em bị chết đuối. Trong đó có những tỉnh có tỷ lệ trẻ chết đuối cao như Đồng Tháp: 82 em, Bắc Ninh: 52 em, Ninh Bình: 50 em.

Năm 2006, trung bình mỗi ngày có trên 30 trẻ em bị chết do tai nạn thương tích, phần lớn cũng do chết đuối và tai nạn giao thông, tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Định (120 em), Đồng Tháp, Bình Phước (hơn 80 em)...

Kết quả điều tra liên trường Đại học Y và tổ chức UNICEF cho thấy số trẻ em Việt Nam bị chết do tai nạn thương tích (TNTT) hằng năm nhiều hơn so với số trẻ bị chết do các bệnh truyền nhiễm. Mỗi năm, nước ta có khoảng 27.000 trẻ em chết vì TNTT, 12.700 trẻ em chết đuối, mỗi ngày có khoảng 35 trẻ em chết đuối ...

Bơi ở bể bơi an toàn, nhưng chỉ dành cho trẻ em thành phố (ảnh minh họa)

Vụ 5 em bé của 3 gia đình ở ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai bị chết đuối khi tắm ở hồ Núi Le là bài học lớn cho các bậc phụ huynh khi đưa con đi chơi ở vùng hồ. Đau lòng hơn khi cả 5 em đều là học sinh khá, giỏi ở các trường THCS Phan Bội Châu và Xuân Tâm, trong số đó, có 3 em là anh em ruột. Sau đó không lâu, 4 học sinh nữ của trường THCS PleiKần, Kon Tum bị chết đuối trên sông Pô Kô khi đang tắm...

Gần đây, sáng 13/2, tại khu vực suối Bèo, thôn I, xã Ia Blũ (Chư Sê - Gia Lai) đã xảy ra vụ chết đuối thương tâm của 3 em nhỏ tên là Phong, Hải, Hội, đang là học sinh Trường Tiểu học xã Ia Blũ. Gia đình các em cho biết: Trong khoảng thời gian nghỉ học giữa buổi, 3 em đã rủ nhau ra bờ suối Bèo chơi thì bị trượt chân, chết đuối.

Gần đây có 4 em học sinh ở Long Xuyên, An Giang bị sét đánh trong lúc đang trú mưa trong một chuồng bò gần chỗ đá bóng. Hai em Hiếu và Lộc chết ngay tại chỗ, Thuận và Quý bị thương nặng, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ở những vùng ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh... cũng thường xảy ra sét đánh chết người, có nhiều nạn nhân là trẻ em khi đi làm đồng cùng bố mẹ gặp trời mưa, trú mưa dưới bóng cây to giữa đồng, chuồng trâu, chuồng bò, nhà bỏ không.

Được biết năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp triển khai chương trình phổ cập bơi, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng “ngôi nhà an toàn”, đảm bảo khi đi qua vùng sông nước và trong mùa lũ; đẩy mạnh trách nhiệm của từng gia đình trong việc quan tâm, quản lý trẻ em, cho trẻ tham gia vào các lớp dạy bơi.

Các tỉnh cũng phải chủ động mở các lớp phổ cập bơi cho trẻ em tại tỉnh. Từ 21- 24/8 tới, tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra “Hội thi bơi lặn cứu đuối toàn quốc”.

Phòng chống thế nào cho trẻ?
Về cách phòng chống sét đánh, theo Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tốt nhất là không nên ra ngoài lúc trời có mưa bão kèm theo sấm sét và không được gần nơi có dây điện rơi xuống trong và sau cơn bão. Nếu ở ngoài trời khi mưa bão thì phải tìm chỗ trú ẩn an toàn, không đứng ở những khoảng đất trống, rộng rãi như cánh đồng, sân chơi...

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) đưa ra 8 khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh chết đuối cho con em mình như: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống hố; ở vùng sông nước cần làm cửa chắn và rào quanh nhà; nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ.

Khi trẻ bị đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, làm thông đường thở. Nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì và nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất.

( Theo Tin Tức )