Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều trường mầm non "lơ ngơ" trước dịch chân tay miệng


Trong khi hội chứng chân tay miệng đang có nguy cơ lây lan mạnh ở Việt Nam, lãnh đạo ngành y tế và tổ chức WHO đã khuyến cáo việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ nhỏ, thì nhiều trường mầm non tại Hà Nội vẫn còn rất "lơ ngơ" trước dịch bệnh này.

Hội chứng chân tay miệng đang diễn biến phức tạp tại Đài Loan, Singapore, Malaysia... Đặc biệt, từ đầu năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã có 1.520 người mắc, trong đó có gần 30 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, hội chứng này xuất hiện rải rác tại một số tỉnh, thành phố miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

Khăn mặt của các cháu được đánh dấu cẩn thẩn để đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm bệnh.
Trước nguy cơ dịch bệnh này lây lan mạnh, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường yêu cầu: Sở y tế, Trung tâm Y tế dự phòng khẩn chương triển khai tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch chân tay miệng tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; tăng cường tuyên truyền các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt là vệ sinh phòng học, dụng cụ, đồ chơi của trẻ; xử lý phân trẻ em, bảo đảm nước uống, thức ăn hợp vệ sinh tại nhà trẻ và trường mẫu giáo.

Mặc dù vậy, nhiều trường mầm non lại không hề nhận được thông tin này, thậm chí, vấn đề vệ sinh ở nhiều trường đang rất đáng báo động, bất chấp mọi nỗ lực chỉ đạo ngăn chặn dịch bệnh của ngành y tế cũng như sự lo lắng của phụ huynh trước sức khỏe con em mình.

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng trường mầm non Họa Mi cho biết: "Kể cả khi đi họp ở Sở cũng chỉ được thông báo về bệnh tiêu chảy chứ bệnh chân tay miệng thì chưa".

Được hỏi kiến thức về bệnh chân tay miệng, bà Lệ cho hay: "Ở những nơi chăm sóc trẻ con đông như các trường mầm non thì rất dễ lây. Tuy nhiên, lây lan như thế nào thì tôi cũng không biết".

Phụ huynh lo lắng, trường mầm non "thủng thẳng"
Chị Phượng ở Đội Cấn, Hà Nội, có cô con gái hơn 2 tuổi cho đi gửi trẻ tỏ ra lo lắng khi nói về dịch chân tay miệng đang lây lan khá nhanh ở trẻ: "Ở nhà tôi giữ gìn vệ sinh cho cháu rất tốt nên không sợ, nhưng cho con đi mẫu giáo cũng thấy lo vì nhỡ cháu bị lây từ các bạn, nhất là khi dùng chung khăn...".

Đồ "nội y" của cô giáo được phơi chung với khăn mặt của các cháu.

Chị Chung ở đường Láng Hạ cũng tỏ ra không yên tâm: "Không cho con đi học thì ở nhà không có người trông, mà cho cháu đi học cũng thấy không được yên tâm lắm vì theo tôi biết, hội chứng chân tay miệng khó phát hiện. Nhỡ ở lớp có cháu nào bị nhiễm, rồi khi cho các cháu ăn, cô tiện tay lau cho cháu này, rồi lại dùng khăn đó lău cho cháu khác sẽ rất dễ lây bệnh...".

Cùng chung nỗi lo với các bậc phụ huynh, chúng tôi đã khảo sát một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội và không khỏi lo lắng khi mà vấn đề vệ sinh chưa thực sự được đảm bảo.

Khăn mặt của các cháu được phơi ngày cạnh thùng rác.
Đi ngang qua một lớp học ở trường mầm non Họa Mi ở Thành Công, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh khăn mặt của các cháu được phơi chung hoặc bên cạnh nhiều đồ mất vệ sinh, quần áo của các cháu cũng được phơi bừa bãi ngay trên lan can.

Nơi phơi khăn của các cháu thậm chí được đặt ngay sát thùng rác. Đi qua dẫy nhà ở tầng hai của nhà trường thì mùi xú uế bốc lên từ phía nhà vệ sinh.

Theo quy định của ngành, đồ dùng cá nhân của các cháu như khăn mặt, ca cốc phải được đánh dấu để các cháu không bị dùng lẫn lộn của nhau, nhằm đảm bảo vệ sinh, tránh việc lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một việc làm tưởng chừng như cực kỳ đơn giản là đánh dấu khăn mặt của từng cháu lại không được một số trường thực hiện nghiêm túc.

Khăn của các cháu không hề được đánh dấu, thậm chí khăn dùng để lau miệng và khăn dùng để lau tay, lau người không có đặc điểm nào để phân biệt ngoài kích cỡ hơn kém nhau 2cm. Với sự khác biệt như vậy thì người lớn còn nhầm chứ đừng nói là các cháu nhỏ dưới 6 tuổi.

Quần áo của các cháu được phơi bừa bãi trên lan can
Về việc này, bà Lệ cho rằng: "Vì nhà trường đã có tủ hấp, khăn của các cháu thường được đem đi hấp 2 lần/tuần nên không cần thiết phải đánh dấu khăn cho các cháu".

Đảo qua trường mầm non Trung Tự, trong vai phụ huynh học sinh muốn tìm hiểu về nhà trường trước khi xin học cho con, chúng tôi được cô Hồng, Hiệu phó phụ trách chuyên môn của nhà trường trả lời về những thắc mắcnày:

-Sao nhà trường không đánh dấu khăn mặt để các cháu không phải dùng chung khăn?
- Việc gì phải đánh dấu ký hiệu. Ngày xưa mới cần đánh dấu chứ bây giờ cần gì. Khăn xanh là khăn lau mồm, khăn trắng lau tay, việc gì phải ký hiệu.
- Để các cháu sử dụng chung khăn thế liệu có đảm bảo vệ sinh không?
- Tại sao lại không đảm bảo, dùng xong các cô vò xà phòng, có vấn đề gì, ngày nào các cô chả vò khăn xà phòng...
- Thế nhỡ có cháu nào bị bệnh lây nhiễm?
- Bị bệnh thì đã cho ở nhà...

Trường mầm non Trung Tự.
Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy kịch ở nhiều trẻ nhỏ bị chân miệng do Enterovirus 71 (EV 71) - tác nhân gây ra các biến chứng nặng - lại là do dấu hiệu của bệnh rất khó nhận biết. Do sự thiếu hiểu biết của nhiều bậc cha mẹ, không ít trẻ khi được đưa vào bệnh viện đã có những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Theo chị Thanh Hà, nhà ở Hoàng Cầu: "Mấy ngày nay tôi thường cập nhật khá đầy đủ thông tin về dịch tay chân miệng do virus EV 71 gây ra nên không khỏi lo lắng cho cháu. Chúng tôi biết ở nhiều trường mầm non, ban giám hiệu cũng như các cô trông trẻ không hề quan tâm đến việc phòng dịch bệnh cho trẻ. Phụ huynh chúng tôi chỉ biết hy vọng sao cho lớp học của con em mình không có cháu nào bị nhiễm dịch này mà thôi, chứ nếu chỉ có một cháu bị thì khả năng lây lan là chắc chắn xảy ra"...

Hội chứng chân tay miệng lây lan chủ yếu ở trẻ em qua tiếp xúc, ăn uống tại nhà trẻ, trường mẫu giáo không đảm bảo vệ sinh. Hội chứng chân tay miệng chưa có điều trị đặc hiệu mà các bệnh nhân chỉ điều trị theo triệu chứng như: dùng thuốc giảm sốt, giảm đau và làm vệ sinh sạch sẽ; đồng thời cho trẻ ăn những đồ loãng, không nóng quá và cũng không lạnh quá như: sữa mẹ, cháo... và không được ăn những đồ chua, cay, cứng...

Theo VietNamNet