Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trách nhiệm nhân đôi


Giao lưu văn nghệ giữa các cháu Trường mầm non Hoa Thép (Nhà máy Z127-Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và các cô giáo tham dự hội thi.
Hội thi Giáo viên dạy giỏi và thi đồ dùng, đồ chơi bậc học mầm non toàn quân lần thứ II kết thúc trong niềm phấn khởi của cả Ban tổ chức lẫn thí sinh. Nụ cười rạng ngời trên môi họ không chỉ để mừng cho kết quả mỹ mãn của hội thi, mà còn vui vì hành trang trở về của các cô giáo như nặng hơn bởi mang theo nhiều kiến thức học hỏi ở đồng nghiệp, để từ đó trong họ nhân lên trách nhiệm to lớn của “người ươm mầm xanh” cho đất nước.

Khuôn viên nhà máy Z127 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) hôm khai mạc hội thi rực rỡ sắc màu, với những tà áo dài trong dáng hình thướt tha của 48 “mẹ hiền” từ hơn 400 trường mầm non toàn quân về đây “đua tài”. Nhiều chị phải mang theo con nhỏ, cũng có người gần đến kỳ sinh nở, nhưng họ không quản ngại vất vả, đường sá xa xôi, về đây với niềm mong mỏi thiết tha được học hỏi thêm kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và khẳng định tâm huyết, trách nhiệm của “người đưa đò”.

Ba ngày diễn ra hội thi là khoảng thời gian để các thí sinh “trổ” hết tài năng, còn các đại biểu thì được chứng kiến những phần thi đầy hấp dẫn và trí tuệ. Vừa hoàn thành xong phần thi thực hành tiết dạy, chị Nguyễn Thị Huyền (Binh đoàn 16) bày tỏ:

- Cùng với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non cũng thay đổi một cách đáng kể. Giờ học của trẻ không chỉ có hát, múa mà còn tập làm quen với môi trường xung quanh, với chữ viết, toán học, văn học… Điều này đòi hỏi giáo viên chúng tôi phải nắm bắt và vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp thu của trẻ.

Ban giám khảo cùng các đại biểu tới dự hội thi, ai cũng ngạc nhiên và trầm trồ thán phục trước những đồ chơi, đồ dùng được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của các cô. Nhìn thoáng qua, thật khó có thể nhận biết được những cây đàn, máy bay, tàu thủy, cây xanh... ấy lại được làm từ vỏ hộp, que kem..., những thứ tưởng chừng đã bỏ đi, thế nhưng lại trở thành phương tiện minh họa hữu ích, sinh động trong giờ giảng của các cô. Chỉ vào những đồ dùng, đồ chơi của đội mình mang đến hội thi, chị Bùi Thị Hiển (Tổng cục Hậu cần) - người đoạt giải xuất sắc - hồ hởi nói:

- Để tạo ra những vật dụng này, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, cần phải kể đến tính ứng dụng thực tiễn của nó. Không có đồ dùng dạy học trực quan thì rất khó trong việc giúp các em hình dung, nhận biết các vật thể xung quanh. Đồ dùng, đồ chơi càng có tính thẩm mỹ cao thì càng lôi cuốn học sinh, đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Không chú trọng bề nổi, hội thi lần này được Ban tổ chức xiết chặt hơn về mặt nội dung. Khâu tổ chức được bố trí nghiêm ngặt, chặt chẽ, các sáng kiến kinh nghiệm và giải pháp hữu ích được xem xét kỹ càng hơn. Hồ sơ, sổ sách và giáo án được theo dõi dựa trên tiêu chí phải sát với nội dung của từng tiết dạy, do đó công tác đánh giá cũng sát thực và nghiêm túc hơn. Giáo viên không có cơ hội “tập dượt” trước với các học sinh tham gia học thực hành tiết dạy, nên các giờ giảng diễn ra rất tự nhiên, phản ánh đúng khả năng sáng tạo trong dạy học của các cô. Đại tá Vũ Thị Ngọ, Phó trưởng Ban Phụ nữ quân đội, Trưởng Ban giám khảo cho biết:

- Chương trình chăm sóc giáo dục mầm non mới rất phong phú và đa dạng, tập trung phát huy khả năng sáng tạo, nhận biết của học sinh. Để làm được điều này, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Nếu giáo viên không sáng tạo trong quá trình giảng dạy thì dù chương trình có đổi mới cũng khó đến được với học sinh. Chúng tôi không để giáo viên có thời gian “làm quen” trước với học sinh, vì muốn tự bản thân giáo viên phải biết tìm cho mình cách tiếp cận các em thật hiệu quả thông qua phương pháp giảng dạy của chính họ.

Các cô giáo tham dự hội thi lần này đều có chung một nhận xét: Nội dung thi khó hơn, hình thức tổ chức phong phú, linh hoạt, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của thí sinh. Với các chị, cái “bội thu” lớn nhất từ cuộc thi là học thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ đồng chí, đồng nghiệp và cảm nhận sâu sắc hơn sự quan tâm sâu sát của cấp trên trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non trong quân đội. Điều này cũng được Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Phụ nữ quân đội khẳng định:

- Hội thi không đơn thuần là tìm ra thứ hạng cao-thấp, mà nhằm đánh giá đúng mức chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của các cô. Từ đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị có kế hoạch đầu tư về trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên để các đồng chí đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của nhiệm vụ “trồng người”.

Kết thúc hội thi, các cô giáo tặng nhau những đồ dùng, đồ chơi đoạt giải cao trong cuộc thi để làm quà cho những “đứa con” ngoan đang trông ngóng các “mẹ hiền” trở về. Họ tạm biệt nhau trong cái bắt tay đầy lưu luyến, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều niềm vui bất ngờ trong mùa thi tới.

( Theo QĐND )