Hương Khê, Hà Tĩnh: 30 năm giảng dạy được... 2,4 triệu đồng Những giáo viên mầm non tại Hương Khê, Hà Tĩnh này chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng trợ cấp sau hơn 30 năm dạy học. Họ nghèo như chưa thể nghèo hơn, nhưng vẫn phải ôm đơn khắp nơi đòi công bằng.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại có nhiều biểu hiện quan liêu tắc trách trước những số phận bi thương này.
Ngay sau khi nhận được lá đơn kêu cứu của 7 cô giáo mầm non tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu sự việc. Cô Nguyễn Thị Cảnh, nguyên giáo viên Trường mầm non xã Phú Gia, trình bày: “Đầu tháng 12/2001, cô Hòa - Hiệu trưởng Trường Phú Gia và cô Thu - Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Vĩnh (Trường Hương Vĩnh) phổ biến cho chúng tôi làm hồ sơ nghỉ chế độ, lương mỗi tháng 300 đến 400 ngàn đồng. Tôi, cô Dương Thị Tam (giáo viên Trường Phú Gia) và cô Lê Thị Hồng, Trần Thị Thảo, Ngô Thị Hương (giáo viên Trường Hương Vĩnh) làm hồ sơ. Sau 15 ngày, Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê gọi ra nhận tiền. Lúc này cô Doãn, Phó trưởng phòng phụ trách mầm non bảo chúng tôi tạm thời nhận mỗi người 80.000 đồng chờ đợi cho mỗi năm dạy, còn các chế độ giải quyết sau. Đến đầu năm 2002, Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê đã cắt mọi chế độ và buộc chúng tôi nghỉ dạy trước tuổi. Khi chúng tôi xuống Sở GD& ĐT được biết 7 người chúng tôi dù có đầy đủ bằng cấp do Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh cấp, được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, nhưng lại được cho nghỉ cùng lượt với những người không có bằng cấp và có thâm niên công tác dưới 10 năm”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào từ phía Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về việc các cô giáo mầm non ở huyện Hương Khê bị cho nghỉ việc, ngoại trừ một danh sách “Giáo viên mầm non ngoài biên chế được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần” của Sở gửi phòng GD&ĐT huyện Hương Khê. Thế nhưng, theo 7 cô giáo trên thì ngay trong danh sách này cũng có nhiều điểm không chính xác. Thứ nhất, có 4/7 cô bị tăng năm sinh lên từ 2 đến 4 tuổi. Cụ thể như cô Lê Thị Tùy sinh năm 1954 thành 1950; cô Nguyễn Thị Cảnh từ 1951 thành 1949; cô Dương Thị Tam sinh năm 1952 thành 1949; cô Trần Thị Xuân sinh năm 1952 thành 1949. Thứ hai, cô Nguyễn Thị Hương ở Trường mầm non Hương Vĩnh ở vị trí số 23 trong danh sách là... nhân vật không có thật, bởi ở Trường Hương Vĩnh mấy chục năm nay không có ai có tên tuổi như thế cả. Thứ ba, cô Hoàng Thị Hiền ở Trường Phú Gia ở vị trí thứ 24 trong danh sách, chỉ dạy có 5, 6 năm nhưng lại được ghi khống lên thành 30 năm công tác. ... Và chỉ nhận lỗi về mặt nghiệp vụ (?) Về việc này, ông Lê Ngọc Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Việc sửa chữa năm sinh thì chuyên viên trong phòng báo cáo là do chính các cô tự sửa để khai tăng tuổi lên cho đủ năm công tác. Thế nhưng hồ sơ của các cô giáo do Phòng quản lý mà lại bị sửa chữa, thì người quản lý hồ sơ phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Phòng nhận hồ sơ của các cô giáo mà cũng không phát hiện ra năm sinh khai trong hồ sơ và năm sinh trong các giấy tờ nộp kèm như Bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp Giáo dục mầm non là lỗi về mặt nghiệp vụ của các chuyên viên”. Tuy nhiên, ông Minh không giải thích được là tại sao hồ sơ do phòng quản lý mà các cô giáo có thể lấy ra để sửa chữa(?). Ông Minh nhận định: “Đợt đó toàn tỉnh có 266 giáo viên được giải quyết cho về nghỉ, lẽ ra phải có 266 quyết định. Thế nhưng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chỉ gửi về cho các địa phương một bản danh sách các giáo viên mầm non ngoài biên chế được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần”. Về trường hợp cô Hoàng Thị Hiền ở Trường Phú Gia, ông Minh bày tỏ sự nghi ngờ là nhà trường đã khai khống năm công tác cho cô Hiền lên thành 30 năm để lấy thêm tiền (?) Thế nhưng khi ông Minh gọi cô Tuyết, cán bộ của Phòng, nguyên là Hiệu trưởng Trường Phú Gia thời điểm đó, thì nhận được câu trả lời: “Khi tôi về làm Hiệu trưởng năm 1996 thì cô Hiền vừa mới nghỉ xong, lý lịch của cô Hiền cũng không lưu lại nên tôi không nắm được quá trình công tác của cô ấy”. Cô Doãn, Phó phòng phụ trách mầm non nói thêm: “Ngày đó các cô giáo mầm non đi dạy là tự nguyện chứ cũng không có quyết định tuyển dụng nào cả. Các cô muốn dạy thì dạy, muốn nghỉ thì nghỉ chứ không có sự ràng buộc nào, không có hợp đồng công việc nào” (?) Hiện nay, gia cảnh của các cô giáo kể từ sau khi bị cho về nghỉ chờ chế độ đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Cô Lê Thị Tùy, chồng mất, một mình nuôi ba con ăn học. Cô Nguyễn Thị Cảnh, chồng là thương binh, bản thân từng bị gãy chân do bồng bế các cháu học sinh chạy bom đạn trong thời chiến tranh, giờ đi lại rất khó khăn. Cô Trần Thị Xuân lại phải nuôi 7 đứa con mang di chứng chất độc da cam… Chỉ với hơn 2 triệu đồng cho thâm niên 30 năm công tác mà các cô được nhận thì quả là bất công. ( Theo Tin Tức ) |