Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi tương tác với TV bùng phát


Công nghệ cao đang “ào ạt tấn công” vào thế giới của đồ chơi trẻ em. Các hãng đồ chơi, tràn trề hy vọng cạnh tranh với các hãng video game và game vi tính, đang ra sức quảng cáo cho những mẫu sản phẩm mới có khả năng tương tác với các chương trình TV. Nhưng khác với các đồ chơi công nghệ trong quá khứ vốn rất khó điều khiển, những phiên bản mới nhất được hứa hẹn sẽ dễ chơi như bóc kẹo. ''Các hãng đồ chơi ngày càng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại vào các sản phẩm của họ, nhưng đồng thời vẫn tăng cường yếu tố giải trí cho chúng’’, Tom Conley, chủ tịch Hiệp Hội Công Nghiệp Đồ chơi cho biết. Cũng theo Conley thì khoảng 70% số sản phẩm mới được đưa ra trưng bày tại Hội Chợ Đồ Chơi Quốc Tế của Mỹ trong tuần này có sử dụng một số dạng microchip đặc biệt. Chẳng hạn như Serafina, một con mèo nhồi bông của Mattel Inc có khả năng hát và ve vẩy đuôi nếu như trên trên màn hình DVD hoặc video xuất hiện hình ảnh búp bê Barbie. Hay như “Wheel Of Fortune” (Chương trình gốc của Chiếc nón kỳ diệu) của hãng Hasbro cho phép người chơi sử dụng một thiết bị xách tay không dây để cạnh tranh trực tiếp với những thí sinh thật sự trên ti vi. Nếu bạn đánh bại được các thí sinh, đài truyền hình sẽ ra tín hiệu bạn được download game thưởng vào máy của mình. Một sản phẩm khác, InteracTV của Mattel cho phép trẻ tương tác và vui học với những nhân vật mà chúng yêu thích nhất trên những show truyền hình ăn khách như “Blue Clues” hay “Dora the Explorer’’ thông qua TV và đầu đĩa DVD. Bộ điều khiển không dây sử dụng công nghệ cảm biến và màn hình tiếp xúc. Một trong những công nghệ mới nhất được áp dụng cho đồ chơi là Ánh sáng video tàng hình mã hoá, hay VEIL. Đây là một công nghệ đặc biệt cho phép thay đổi và điều chỉnh các cung bậc ánh sáng của hình ảnh trên ti vi. Mắt thường không nhận ra được những biến đổi này, song một bộ cảm biến hình ảnh trên đồ chơi sẽ bắt được tín hiệu và điều khiển cho nó phản ứng bằng một số hình thức đã được lên chương trình sẵn. Mặc dù vậy, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng những đồ chơi này sẽ can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, hạn chế khả năng sáng tạo và khiến trẻ chúi đầu cắm mặt vào TV nhiều hơn. “Thay vì xem ti vi, giờ đây lũ trẻ lại xem lũ đồ chơi của chúng “xem ti vi” như thế nào”, Stephanie Oppenheim, tổng biên tập Oppenheim Toy Portfolio, một tạp chí về đồ chơi và media nói. Còn Diedre Dennis Wachbrit, bà mẹ của một cặp sinh đôi 4 tuổi thì cho biết chị không biết nhiều về những mẫu đồ chơi công nghệ cao, song “điều quan trọng là con tôi phải có được sự cân bằng và nhiều thời gian tiếp xúc với thế giới tự nhiên’’. Theo I-Today