Miền Bắc xuất hiện trẻ bị chân tay miệng
Trẻ thường vào viện trong tình trạng sốt nhẹ, từ 37,5 đến 38 độ C, kèm nôn trớ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Lòng bàn tay và bàn chân nổi nhiều ban đỏ hoặc mụn nước, miệng cũng có ban đỏ hoặc vết loét. Các cháu đều được hướng dẫn để điều trị tại nhà, không phải nhập viện. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng phòng khám, cho biết bệnh viện chưa gặp các trường hợp có biến chứng não hoặc tử vong như ở miền Nam (những ca nặng này thường do virus Entero 71 gây ra). Theo tiến sĩ Bùi Vũ Huy, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, thời tiết ấm nóng là điều kiện để virus này phát triển, đó là lý do bệnh thường bùng phát mạnh ở miền Nam. Tuy nhiên miền Bắc vẫn có các ca bệnh rải rác, xuất hiện vào khoảng tháng 4, khi trời ấm lên. Thủ phạm là một số virus đường ruột, lây qua đường tiêu hóa và phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi. Virus từ phân, chất nôn có thể dính vào tay người chế biến thức ăn, sau đó lan sang thực phẩm hay đồ đựng và xâm nhập cơ thể người qua đường miệng. Hiện chưa có văcxin dự phòng. Với đường lây như trên, hội chứng chân tay miệng dễ thành dịch do điều kiện vệ sinh ở Việt Nam còn thấp. Cũng theo ông Huy, phần lớn các ca bệnh đều có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, như hạ sốt nếu sốt cao, bù nước và điện giải, cho ăn đủ chất (nấu kỹ và dễ tiêu) để tránh suy kiệt, không dùng thuốc cầm đi ngoài. Trẻ phải nghỉ học và cách ly để tránh lây. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ để tránh lan virus từ chất thải, nên cho trẻ dùng riêng bát đũa, người chăm sóc cũng phải rửa tay sạch. Bệnh sẽ khỏi sau 3-7 ngày và chỉ khi trẻ hết hẳn các triệu chứng (sốt, đi ngoài, nổi ban) thì mới ngừng cách ly. Trong quá trình bệnh, trẻ vẫn cần được tắm rửa bằng nước ấm. Với các trường hợp biến chứng, trẻ cần được nhập viện ngay để điều trị. Biến chứng chủ yếu là viêm não, biểu hiện là nôn nhiều hơn, nôn vọt, quấy khóc nhiều, li bì, nặng thì hôn mê, co giật. ( Theo VnExpress ) |