Video game có 'bạo lực hóa' bộ não? Có kẻ rình rập quanh đây để thủ tiêu bạn. Tim bạn đập thình thịch và hai bàn tay mướt mồ hôi. Thật khó kiểm soát được trạng thái này cho dù đó chỉ là một trò chơi điện tử bạo lực. Chuyện gì thực sự đang diễn ra trong bộ não? Chơi một game bạo lực sẽ kích thích những phản ứng hiếu chiến trong bộ não tương tự như trong một tình huống thực tế. Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Aachen (Đức) khám phá được điều gì đã xảy ra trong bộ não khi con người đối mặt với những tình huống game bạo lực. Họ đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ trên 13 game thủ từ 8 đến 26 tuổi tham gia trò chơi tiêu diệt khủng bố và giải cứu con tin. Nhờ sự trợ giúp của máy chụp cộng hưởng từ chuyên dụng (fMRI), nhóm nghiên cứu quan sát thấy hoạt động của bộ não trong các tình huống game bạo lực tương tự như khi con người tưởng tượng ra mình hung bạo. Khi bạo lực sắp xảy ra, những vùng nhận thức trong bộ não trở nên linh hoạt. Còn khi cuộc chiến diễn ra, những phần não phụ trách cảm xúc, ví dụ như vùng amygdala và những phần vỏ não vành đai trước, lại "tắt". Kiểu hoạt động này của bộ não gần giống với lúc con người đối phó với bạo lực thật. Về mặt nào đó, chơi game bạo lực giống như "tham gia khóa huấn luyện cho bộ não phản ứng với sự hiếu chiến". Hơn 90% trẻ em Mỹ nghiền trò chơi điện tử mỗi ngày, và một nửa số sản phẩm bán chạy có liên quan đến bạo lực. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy những người chơi các trò bạo lực có xu hướng gây gổ. Ví dụ, vào năm 2000, hai nhà khoa học Craig Anderson và Karen Dill ở Đại học Iowa State (Mỹ) đã thống kê được tỷ lệ phạm tội hành hung hoặc cướp giật và mức độ hiếu chiến rất cao ở những người chơi game bạo lực. Tuy nhiên, rất khó xác định người chơi bị "bạo lực hóa do game hay chính tính bạo lực dẫn họ đến tới game". Chơi trò chơi điện tử bạo lực thường xuyên sẽ làm cho những mạch não liên quan đến "kinh nghiệm hiếu chiến" trở nên vững chắc và mạnh mẽ, dẫn đến những hành vi hung hãn trong cuộc sống, nhà khoa học Niels Birbaumer, Đại học Tübingen (Đức), suy xét. Vnexpress |