Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rèn luyện cho bé tính can trường



Khả năng chịu đựng những điều thất vọng, chán nản là một nét tính cách mà không phải đứa trẻ nào sinh ra đã may mắn được sở hữu. Tuy nhiên, nếu con bạn từ nhỏ không phải là một đứa trẻ kiên cường, bạn vẫn có thể dạy cho chúng biết phải làm thế nào để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Để làm được điều này, trước hết bạn cần hiểu những đặc điểm hành vi nào tạo nên tính kiên cường. Đó là:

- Sự chịu đựng thất bại cao.

- Tính kiên nhẫn, bền chí.

- Biết tự điều chỉnh bản thân và làm cho mình cảm thấy thoải mái sau mỗi thất bại.

- Biết nhìn nhận những thất bại đã qua và coi đó là kinh nghiệm tốt cho lần sau.

Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ? Câu trả lời là áp dụng 4 cách sau:

1. Thông cảm, không đánh giá thấp những cảm giác của trẻ

Với những đứa trẻ phản ứng hơi thái quá trước mỗi sự việc thì một điều đáng ngạc nhiên là những đứa trẻ mà xúc cảm của chúng được thừa nhận sẽ sửa chữa nhanh và tự hoàn thiện mình tốt hơn những đứa hay bị chê trách. Đó là vì chúng biết được bạn đang cảm thông và hiểu chúng.

Ví dụ bạn có thể nói “Mẹ rất tiếc vì con gấu bông của con đã bị mất. Mẹ biết con buồn vì đó là món đồ chơi con yêu thích nhất” thay vì câu nói nặng lời “Nín khóc ngay! Con đã làm mất rất nhiều gấu bông rồi đấy”.

2. Động viên những cố gắng của con

Một đứa trẻ mà những nỗ lực của chúng được khen ngợi, động viên sẽ có tác dụng giúp chúng biết gìn giữ và phát huy hơn nữa để duy trì thành tích.

Ví như con bạn đang xây nhà đồ chơi, bạn hãy nói “Con đang làm việc thực sự chăm chỉ cho công trình này. Nếu con có thể hoàn thành toà tháp, nó sẽ trở thành một toà nhà chọc trời và con sẽ cảm thấy tự hào vì điều đó”.

3. Đừng quá tán dương con

Một đứa trẻ mà mọi cố gắng đều nhận được những lời khen ngợi quá đà sẽ không thể phát triển khả năng chịu đựng bất cứ sự thất bại nào hay tự rèn luyện cho mình một kỹ năng gì hoàn thiện.

Ví dụ, bạn nói “Mẹ có thể biết con đã cố gắng thế nào để chọn được màu sắc chính xác cho cảnh hoàng hôn. Đúng là một việc làm đúng đắn.” sẽ tốt hơn một lời khen nức nở như “Đó là một bức tranh đẹp nhất mà từ trước đến nay mẹ mới nhìn thấy. Con thật đúng là một hoạ sĩ nhí tuyệt vời”.

4. Giúp trẻ biết nhìn trước mọi khía cạnh sự việc

Không gì là sẵn có khi nói tới tính khí của trẻ con. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng chúng sinh ra không phải đã biết cách giải quyết những việc không thể đoán trước trong cuộc sống hay làm sao để nuôi dưỡng niềm hi vọng khi thất bại.

Chúng cần bạn dạy cho cách nghĩ về tương lai. Bạn có thể làm điều này bằng cách giải thích sự việc như “Mẹ biết con đang không được vui vì con muốn trở thành một thủ môn trong đội bóng của trường. Tuy nhiên, người trấn giữ khung thành cần phải di chuyển nhanh để cản những pha bóng nguy hiểm của đội bạn và nhiệm vụ ấy tương đối khó khăn. Thế nhưng, con cao to và khoẻ mạnh ở độ tuổi này cũng là điều khá quan trọng. Mẹ nghĩ con sẽ là một hậu vệ thực sự hiệu quả cho đội bóng của trường”.

Những hiểu biết cơ bản về tính kiên cường và củng cố những kỹ năng cho trẻ khi chúng phát triển sẽ giúp chúng học cách đối diện với cuộc sống bằng sự tự tin và năng lực của mình. Với những đứa trẻ ương ngạnh sẽ phải học cách khuất phục thay vì phá hỏng mọi thứ nếu không diễn ra theo ý chúng. Hơn nữa, chúng sẽ vận dụng khả năng của mình tốt hơn để đương đầu với những thách thức còn ở phía trước.


(Nguồn:T-Kid)