Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé yêu nghịch quá!


Trẻ nghịch ngợm hẳn sẽ khiến bạn phải đau đầu và bực mình. Nhưng trẻ nghịch không cứ phải là trẻ hư...

Ảnh: sưu tầm
Trải qua những tháng đầu đời, trẻ cứng cáp dần lên, biết lẫy, biết bò, ngồi… rồi chẳng mấy chốc sẽ biết đi, chạy nhảy khắp nhà. Mỗi sự phát triển ấy là một niềm vui của bậc làm cha mẹ. Nhưng càng lớn, trẻ khám phá được nhiều điều xung quanh mình hơn thì càng trở nên hiếu động, khiến cho không ít ông bố bà mẹ phải đau đầu.

Bạn đừng vội trách mắng con vì những nghịch ngợm của chúng. Hãy hiểu rằng, trẻ con cần hoạt động để khôn lớn, con bạn có nghịch ngợm thì có thể chứng tỏ chúng cũng khá thông minh nữa phải không?

Trẻ nghịch ngợm thể hiện sự năng động và mạnh dạn
Từ khi biết bò, trẻ đã thể hiện sự tò mò sẵn có như bò đi khắp mọi ngóc nghách, sờ mó vào mọi thứ trong nhà. Càng lớn, trẻ càng ý thức được cái tôi của mình và luôn muốn thể hiện trước người thân.

Biết đi và chạy nhảy thành thạo là cơ hội để trẻ khám phá thế giới xung quanh minh, phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ được tốt nhất. Bạn hãy động viên con vào những hoạt động vui chơi khám phá ấy.

Trẻ sẽ luôn chân luôn tay không chịu ngồi yên một chỗ, dù có lúc chúng khiến bạn bực mình, nhưng cũng không thể vì thế mà bạn cấm chúng vui chơi. Cũng không thể ép chúng vào một khuân khổ hoạt động cứng nhắc nào đó. Hãy để trẻ phát triển tự do, bạn chỉ cần để ý đến con và có thái độ phù hợp để vừa hạn chế sự nghịch ngợm thái quá của con, vừa giúp chúng tự nhận thức được hành vi của mình.

Từ khoảng 1 tuổi, trẻ muốn được tự mình làm mọi thứ mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ nữa. Như khi ăn cơm, nhiều bé tự cầm thìa để ăn chứ không chịu cho bố mẹ đút như trước. Tuy nhiên, động tác của chúng chưa thực sự nhuần nhuyễn, còn lóng ngóng, lại thêm bản tính ham vui nên chúng có thể vừa ăn vừa chơi… kết quả là cơm sẽ rơi vãi khắp người.

Thái độ đúng trước hành vi của trẻ
Cần phân biệt rõ giữa sự vô ý và cố ý
Dù cảm thấy rất bực bội với con, nhưng trước tiên bạn cần phải hiểu rõ hành vi đó có phải là sự cố tình hay không.

Ví dụ, khi trẻ làm rơi vãi thức ăn, nếu do chúng chưa thành thạo với việc tự cầm thìa xúc cơm, thì điều đó không phải là có lỗi. Bạn có thể giúp con bằng cách chỉ cho bé cách cầm thìa, cách xúc cơm và đưa vào miệng thế nào cho đúng, dần dần bé sẽ ăn gọn gàng hơn.

Hãy luôn khuyến khích, động viên trong khi giáo dục trẻ để chúng phát triển tính chủ động và rèn tập bản thân.

Thái độ của người lớn:
Từ 9 tháng tuổi, trẻ đã nhận thức được sự đúng sai của bản thân trước thái độ của bố mẹ đối với chúng. Ví dụ: Khi bạn khen ngợi, vỗ tay cổ vũ, chúng sẽ rất vui và cảm thấy mình giỏi giang, chúng sẽ càng hăng hái lặp lại hành động đã được mọi người khen. Khi bạn nghiêm mặt phê bình, trẻ biết là đã làm sai và bị mẹ giận, chúng sẽ tỏ ra tiu nghỉu biết lỗi. Đồng thời, cũng không nên bao dung, bỏ qua cho con nhiều lần, trẻ sẽ nắm được nhược điểm đó và không còn thấy sợ mắc sai lầm nữa.

- Trước tiên bạn hãy nghiêm nét mặt, im lặng và trừng mắt nhìn con. Trẻ cảm nhận được sự biểu cảm trên nét mặt của bố mẹ và sẽ biết rằng mình đã sai. Sau đó, bạn hãy nói với con hành động đó là không được phép, và chỉ cho con làm thế nào cho đúng.

Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng điều này, chỉ nghiêm khắc với con khi thực sự cần thiết để trẻ hiểu được tầm quan trọng trong thái độ của bố mẹ.

- Không nên quát mắng và đánh đòn trẻ, vì điều đó có thể gây phản tác dụng, không những trẻ không nghe lời, không ý thức được sai lầm của mình, mà còn tỏ ra ngang bướng hơn. Vì vậy cách tốt nhất là bạn nên thể hiện bằng thái độ và sự khuyên bảo.

- Cần có sự thống nhất: Nếu khi trẻ sai, mẹ thì nghiêm mặt nhìn, nhưng ông bà thì bênh hoặc cười, chúng sẽ không biết phải nghe theo ai, thậm chí lại tỏ ra thích thú vì cho rằng hành động của mình được ông bà cổ vũ. Do đó, mọi người trong gia đình nên thống nhất quan điểm trong việc giáo dục trẻ.

Theo Bibi.vn