Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều trẻ sơ sinh bị lây bệnh thuỷ đậu từ mẹ


Hiện mỗi ngày, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM tiếp nhận 3-5 ca thuỷ đậu (còn gọi là bỏng rạ, trái rạ), chủ yếu là trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ. Trẻ nhiễm thủy đậu từ mẹ dù ở giai đoạn nào cũng sẽ có những biến chứng, di chứng vô cùng nguy hiểm. Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó trưởng khoa Nhiễm, cho biết, người mẹ nhiễm thuỷ đậu khi mang thai sẽ gây thuỷ đậu toàn thai, như nổi bóng nước và tổn thương toàn thân, tổn thương thần kinh, tổn thương cột sống... khiến bào thai chậm phát triển, thậm chí bị dị dạng. Nếu mẹ bị thuỷ đậu trước khi sinh 5 ngày và sau khi sinh 2 ngày, trẻ sơ sinh sẽ bị biến chứng sang viêm phổi, loét đường tiêu hóa, viêm não, viêm gan. Những trường hợp này nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong sẽ lên đến 30%. Bác sĩ Nguyễn Công Viên, Trưởng khoa Khám Trẻ em lành mạnh, Bệnh viện nhi đồng 2, cho biết, việc điều trị những trường hợp trên ở Việt Nam hiện vẫn rất khó khăn vì không có thuốc tiêm đặc hiệu như ở nước ngoài. Quan niệm cũ về căn bệnh này cũng là trở ngại khá lớn. Nhiều người cho rằng, đối với trẻ em, thủy đậu là bệnh lành tính, các biến chứng chỉ xảy ra ở người lớn chưa được miễn dịch hoặc ở trẻ suy giảm miễn dịch; rằng mỗi người nên bị thủy đậu tự nhiên một lần để có miễn dịch suốt đời. Nhưng các nghiên cứu mới cho thấy, biến chứng xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 4 tuổi. Việc nhiễm thủy đậu tự nhiên có thể để lại các virus "nằm ngủ" và gây nên bệnh zona về sau với tỷ lệ cao hơn miễn dịch do tiêm chủng. Thực tế, các biến chứng xảy ra hầu hết ở trẻ khỏe mạnh. Có đến 82% trẻ nhập viện do thủy đậu là dưới 5 tuổi, 47% có bội nhiễm da và mô mềm rất trầm trọng như hoại thư, viêm mô tế bào, viêm hoại tử các màng gân. Các chuyên gia cho rằng các vi trùng gây bội nhiễm cho bệnh nhân thủy đậu thường tiết nhiều độc tố và dễ gây các hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết. Bác sĩ Viên cho biết, các biến chứng trầm trọng nói trên có thể bị chẩn đoán chậm do sử dụng thuốc kháng viêm, khiến các biểu hiện biến chứng mất đi và âm thầm phát triển. Thêm vào đó, thói quen chăm sóc da thuỷ đậu (như rắc phấn rôm, nấu gốc rạ tắm cho trẻ, dùng rượu xoa lên các nốt rạ để chống ngứa...) cũng dễ gây bội nhiễm, đặc biệt là gây thuỷ đậu hoại thư cho trẻ em. Bội nhiễm thủy đậu còn gây ra một số biến chứng ít gặp nhưng rất nặng như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, viêm não, viêm tiểu não, viêm phổi, viêm gan, tử ban tối cấp, các xuất huyết... Một nghiên cứu của các khoa hồi sức và cấp cứu tại Pháp trong 4 năm (1998-2001) cho thấy, tỷ lệ người mắc thuỷ đậu là 15% và tỷ lệ để lại di chứng là 24%. Do đó, xu hướng thế giới ngày càng nghiêng về việc tiêm chủng rộng rãi bệnh thuỷ đậu. Chủng ngừa thuỷ đậu tạo được miễn dịch vững chắc hơn miễn dịch do quá trình bệnh tự nhiên. Ngoài ra, chủng ngừa còn ngăn ngừa được các biến chứng xa thường xảy ra nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm sau khi bị thuỷ đậu. Nên tiêm phòng trước khi có dịch nổ ra ở cộng đồng. Vnexpress