Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ: Cần chú ý thường xuyên, liên tục


Đây không phải là vấn đề mới, đã được cảnh báo nhiều, nhưng số trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Thật đáng tiếc, 70% số vụ đều xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn


Tai nạn thương tích (TNTT) đang là một vấn đề xã hội đáng báo động trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các bệnh viện. Theo Bộ Y tế, đối với trẻ em, TNTT đang là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tàn tật, trong đó thường gặp là tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng và điện giật.

74 trẻ em tử vong/ngày bởi tai nạn thương tích
Theo thống kê tại Hội nghị cấp cao về phòng chống tai nạn thương tích, trung bình mỗi ngày có gần 74 trẻ tử vong do TNTT. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do sự vô ý, tắc trách của người lớn. Đầu tháng 3 vừa qua, ở xóm Tháp, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, một cháu bé hai tháng tuổi đã bị tử vong do sự bất cẩn của bố mẹ.

Do mất điện, bố mẹ cháu bé thắp nến để chiếu sáng. Ngọn nến được để ở gần giường và bất ngờ đổ xuống, bắt vào giường gây cháy. Ngày 9/3, một trẻ sơ sinh chưa đầy 2 ngày tuổi ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh bị văng ra khỏi xe cấp cứu trên đường chuyển viện và tử vong, do lái xe cấp cứu đang say rượu.

Ngày 25/3, tại Trường trung học y tế Quảng Trị (thuộc địa bàn thị xã Đông Hà) đã xảy ra tai nạn điện giật làm 6 học sinh phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ngày 5/3, trên đường liên thôn thuộc thôn Cà Ná, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, anh Lê Thành Quân (ở thành phố Phan Rang, Tháp Chàm) điều khiển xe môtô BKS 85R9-6032, đèo vợ và một cháu nhỏ 6 tháng tuổi. Do chạy nhanh nên khi đến đoạn đường cua, anh Quân không điều chỉnh được tay lái, tự ngã xuống đường làm cháu bé tử vong tại chỗ….

Trong giai đoạn từ 2001-2005, mỗi năm nước ta có khoảng 27.000 trẻ em chết do tai nạn thương tích, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 74 trẻ em tử vong vì lý do này. Ngoài ra, còn có hàng ngàn trẻ khác bị tai nạn thương tích tuy không tử vong nhưng tàn tật suốt đời. Trong số trẻ em chết do TNTT thì tai nạn giao thông và đuối nước là hai nguyên nhân chủ yếu.

Trung bình mỗi năm có trên 12.000 người bị chết và trên 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó trẻ em chiếm khoảng 35%. Môi trường gia đình mất an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến TNTT trẻ em chiếm tỷ lệ khá cao, như: ngã cầu thang, bị bỏng nước sôi, bị điện giật, bị vật sắc nhọn cắt, đâm, bị ngạt thở do nuốt phải đồ chơi, dị vật...

Có thể phòng tránh được hơn 70% số vụ
Theo điều tra của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, tai nạn thương tích ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Ước tính gần 70% các ca tử vong trẻ em trên 1 tuổi là do tai nạn thương tích, hơn 71% các trường hợp tử vong do TNTT đều từ các nguyên nhân có thể phòng tránh được. TNTT ở Việt Nam chủ yếu xảy ra là do sự thiếu ý thức, kỹ năng của người dân về phòng chống TNTT và do môi trường không an toàn.

PGS.TS Trịnh Quân Huấn (Bộ Y tế) cho rằng, TNTT không những gây tổn thất về người, để lại gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội, mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài, các em có thể bị thương tật vĩnh viễn, sang chấn tâm lý, mất khả năng học tập….

Kinh nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có thể phòng chống và kiểm soát được tai nạn thương tích bằng các biện pháp cụ thể. Đối với tai nạn giao thông: đội mũ bảo hiểm đúng cách khi đi xe máy giảm 40% nguy cơ tử vong và 70% nguy cơ thương tích nặng.

Các giải pháp có hiệu quả trong phòng chống TNTT cho trẻ em như: giảm nhiệt độ của hệ thống nước nóng trong gia đình sẽ giảm 60% trường hợp trẻ bị bỏng do nước nóng; các biện pháp giáo dục và làm chấn song cửa sổ giúp giảm 50-90% trường hợp trẻ em tử vong do ngã; giảm liều lượng và thay đổi bao bì thuốc giúp giảm 50% số trẻ tử vong bị ngộ độc thuốc…

Huy động sức mạnh tổng hợp trong phòng tránh TNTT cho trẻ
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á ký kết và gia nhập Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; ký và thực hiện văn kiện “Một thế giới phù hợp với trẻ em” của Liên Hợp Quốc và nhiều văn bản quốc tế khác.

Trong thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em như: Luật An toàn Giao thông đường bộ, Luật An toàn Giao thông đường thuỷ… Công tác phòng chống TNTT của trẻ em được các cấp, các ngành, mỗi gia đình và người dân quan tâm hơn.

Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình cộng đồng an toàn nhằm hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ, việc sơ cứu, chữa trị cho nạn nhân bị TNTT từng bước được quan tâm… Thế nhưng, nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, có nhiều nguy cơ về TNTT đang đe doạ từ ngày, từng giờ đối với trẻ em.

Theo các chuyên gia pháp luật, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNTT trẻ em ngày càng gia tăng là do hệ thống các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn không đầy đủ và bất cập, đi kèm với với việc thiếu các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp trong lĩnh vực phòng chống TNTT, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Vì thế, để góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em để thống nhất chỉ đạo và thực hiện tốt công tác này từ Trung ương đến cơ sở. Trong xây dựng, chú ý đến các thiết kế phù hợp cho đối tượng là trẻ em, nhất là những công trình công cộng như: trường học, nhà trẻ, công viên...

Bà Maniza Zaman-Cesprdes, Phó đại diện UNICEF Việt Nam cũng cho biết những ưu tiên chiến lược của tổ chức này trong phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em Việt Nam, bao gồm cả công tác tăng cường pháp luật, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn.

Bà Maniza Zaman Cespedes đặc biệt nhấn mạnh đến việc phòng chống đuối nước, bởi đây là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích gây ra ở trẻ em.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, phòng chống TNTT trẻ em nói riêng là công tác mang tính chất liên ngành. Vì thế cần có cơ quan đứng ra chịu trách trách nhiệm trước Chính phủ để điều phối các công việc liên quan đến trẻ em, cũng như điều phối thực hiện một chính sách, một chương trình cụ thể dành cho trẻ em.

Có như vậy mới phân rõ được trách nhiệm và huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cùng chăm lo cho nhiệm vụ phòng tránh TNTT trẻ em.

Phòng tránh TNTT cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm của người lớn đối với trẻ em. Mong rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan chức năng đến mỗi gia đình, cá nhân cụ thể, sẽ giảm đi những nỗi đau thể xác và tinh thần của trẻ vì tai nạn thương tích.

( Theo Pháp Luật )