Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm não: bệnh cực kỳ nguy hiểm!


Số trẻ mắc viêm não vào Bệnh viện Nhi T.Ư đang tăng mạnh. Từ 1-5 trở lại đây có tới trên 200 trẻ phải vào điều trị tại bệnh viện này, tăng 20-30% so với cùng kỳ 2004. 30% lên 64%, rồi 84%... Những ngày này trời Hà Nội oi nóng, nhưng khoa lây Bệnh viện Nhi T.Ư với 50 giường bệnh đã có tới 95 trẻ mắc bệnh viêm não nằm điều trị, chưa kể trẻ mắc các bệnh lây khác cũng lên tới vài chục cháu. Giường nào cũng phải cho nằm ghép hai trẻ. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc bệnh viện, cho biết chỉ tính riêng ngày 20-6 bệnh viện có trên 900 trẻ điều trị nội trú (trong khi chỉ có 540 giường bệnh) và khoa lây đang là một trong những khoa quá tải trầm trọng nhất bệnh viện. Điểm đáng chú ý nhất trong mùa viêm não năm nay là số trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng cao so với mấy năm gần đây. Theo bác sĩ Lộc, thời điểm đầu tháng năm chỉ có 30% trẻ viêm não nhập viện là do viêm não Nhật Bản, con số này sau đó tăng lên 64% và hiện đang ở mức 84%. Bệnh viện cũng làm một thống kê sơ bộ và thấy rằng trẻ mắc viêm não đến từ 17 tỉnh thành, nhưng Hà Tây và Hà Nội đang là hai địa phương dẫn đầu. Trẻ mắc bệnh phần lớn từ 3 tuổi trở lên và hầu hết đều chưa được tiêm phòng. Bên cạnh đó, bác sĩ Lộc nhận xét bệnh nhi đến viện năm nay hầu hết ở tình trạng nặng. Số cháu hôn mê, sốt cao nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Tuy tỉ lệ tử vong hiện chưa cao (có khoảng 10 trẻ tử vong do viêm não trong mùa dịch này), nhưng những con số đau lòng mà các bác sĩ đưa ra làm chúng tôi không khỏi giật mình: chỉ có khoảng 30% trẻ mắc viêm não khỏi bệnh hoàn toàn, số còn lại không tử vong thì sẽ bị để lại di chứng suốt đời (liệt, mất tri giác, câm, điếc, đần độn...). Có cháu đã học đến lớp 6 thì mắc bệnh và được cứu sống song... không còn nhớ chữ nào. Có cháu trước khỏe mạnh, học giỏi, đá bóng giỏi, sau khi mắc bệnh đã bị bại não và vĩnh viễn phải ngồi trên xe lăn... Thiếu ý thức phòng bệnh Trong suốt cuộc trao đổi với chúng tôi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã hơn một lần nhắc đến cụm từ: “Căn bệnh này cực kỳ nguy hiểm”. Mấy năm gần đây, số trẻ mắc viêm não được cứu sống đã tăng cao, tỉ lệ tử vong hạ xuống còn 6-7%. Trong số trẻ mắc bệnh năm nay, có gần 100 cháu được trở về với gia đình hoặc bệnh viện tỉnh nhà do bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên, “số cháu tỉnh hẳn, phục hồi được tri giác, trí nhớ, sức khỏe... phải lâu dài mới đánh giá được”- bác sĩ Lộc cho biết. Bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng ý thức phòng bệnh của các bậc phụ huynh lại hầu như chưa có. Vài năm gần đây, văcxin phòng viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình mở rộng nhằm cung cấp văcxin tiêm chủng cho nhóm trẻ 2-5 tuổi. Tuy nhiên trẻ từ 15 tuổi trở xuống vẫn nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nên cha mẹ cần cho các cháu tiêm văcxin “dịch vụ” để phòng bệnh. Theo đánh giá của các bác sĩ, hiện ý thức cho trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh mới chỉ có ở một số thành phố lớn, còn một số vùng (nhất là vùng sâu, vùng xa) thì người dân hầu như chưa biết gì về bệnh để có thể chủ động phòng ngừa nhờ tiêm phòng, thậm chí cho rằng “con tôi khỏe mạnh thì làm gì phải đi tiêm cho phiền phức”(!). “Văcxin tiêm phòng viêm não Nhật Bản hiện VN đã sản xuất được, chỉ cần khoảng 100.000 đồng là bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của con cái, nếu không ân hận thì đã muộn”- bác sĩ Lộc khuyến cáo. Theo các bác sĩ, thông thường hằng năm dịch viêm não (trong đó có viêm não Nhật Bản) thường rộ lên trong thời gian từ tháng 5-7, vì thế việc tiêm chủng phòng bệnh nên tiến hành trước thời điểm này để đảm bảo miễn dịch cho trẻ. Tuyệt đối không nên thấy dịch mới... đổ xô đi tiêm, dẫn đến khủng hoảng thiếu văcxin (như đã xảy ra với văcxin phòng dịch cúm, rubella, thủy đậu... thời gian qua). Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách cho trẻ ngủ màn, vệ sinh ngoại cảnh hạn chế muỗi sinh sôi, vệ sinh ăn uống và thân thể cho trẻ. Tuổi Trẻ