Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bỏng - tai nạn dễ gặp trong mùa hè


Viện Bỏng quốc gia chiều 18/6, các buồng bệnh đầy ắp bệnh nhân bị mất cả mảng da bụng, da chân thậm chí cả da đầu. Những khuôn mặt nhăn nhúm vì đau và vì sẹo dị dạng. PGS Lê Năm, giám đốc Viện cho biết mùa hè số ca bệnh tăng đến 120-130% so với mùa đông, trong đó không ít là trẻ em. Các bệnh nhân bị bỏng đủ loại, từ bỏng điện, bỏng canh, nước sôi đến bỏng lửa, bếp gas… Tiến sĩ Lê Năm cho biết, trẻ em bị bỏng hầu hết do người lớn ý thức kém. Ở thành phố, nhu cầu dùng điện trong mùa hè tăng cao, nên số trẻ bị bỏng điện cũng tăng lên. Có cháu lỡ đúc ngón tay vào ổ điện đặt thấp, có cháu bị cả cái bàn là nóng úp vào bụng, do mẹ để đứng bàn là và bỏ đi chỗ khác. Cũng có cháu đụng vào bát canh mẹ vừa múc ra, đổ nguyên vào người. Song thường gặp nhất là bố mẹ để phích dưới đất, trẻ chơi xung quanh va vào phích nước, lĩnh trọn cả khối nước bỏng. Ở nông thôn, do được nghỉ hè nên các em chơi bời, chạy nhảy nhiều. Đã có trường hợp cả hai em cùng chết cháy khi chui vào đống rơm nghịch ngợm. Lại có trường hợp đặt đèn dầu trong giường ngủ. Khi trẻ ngủ quên, đạp phải đèn, làm bốc cháy cả giường. Tiến sĩ Năm cũng cho biết, gần đây hiện tượng công nhân xây dựng bị bỏng đang gia tăng, nguyên nhân là việc xây dựng bừa bãi, đường dây cao thế chạy ngang dọc lộn xộn. Do không hiểu biết, công nhân xây dựng khi mang vác các vật kim loại như ống nước, cột sắt đi qua bên dưới đường dây cao thế, tuy không trực tiếp chạm vào dây điện, nhưng từ trường mạnh xung quanh đường dây cao thế đã làm phát sinh dòng điện, đánh vào người mang vật. Cũng có người làm nhà dưới đường dây điện cao thế, khi thau bể nước bị điện giật chết. Trong số các loại bỏng, bỏng điện và bỏng vôi là nguy hiểm nhất. Bỏng điện gây tàn phế nặng nề. Những công nhân xây dựng bị tai nạn này thường phải cắt bỏ các chi, có trường hợp cắt cả hai tay và một chân. Người bị bỏng vôi dễ nhiễm trực khuẩn mủ xanh, gây nhiễm trùng huyết, rất khó điều trị vì vi khuẩn kháng thuốc. Bỏng là loại bệnh lý rất nghiêm trọng, để lại di chứng lâu dài và rất tốn kém thời gian, tiền của. Có những trường hợp sau chữa bỏng, mặt mũi bị biến dạng, bệnh nhân phải đi tạo hình 5-7 lần. Vì thế, tiến sĩ Năm khuyến cáo việc phòng tránh nên được xem trọng hàng đầu. Các bậc cha mẹ có con nhỏ nên xem xét cẩn thận mọi thứ quanh nhà, sắp xếp vị trí hợp lý, từ cái phích nước trở đi, chuyển ổ điện lên cao… Nếu có chỗ để riêng những thứ dễ gây bỏng (như phích nước, bếp gas, bàn là...) thì càng tốt. Ở nông thôn, cha mẹ không nên thả đèn dầu vào màn, chú ý những thứ dễ gây bỏng quanh nhà. Trong xây dựng, không nên để đường dây điện quá thấp, không nên xây nhà dưới tầm ảnh hưởng của đường dây cao thế, chú ý khi mang vác các vật có thể truyền điện qua dưới đường dây. Tiến sĩ Năm cũng cho biết, khi sơ cứu người bị bỏng (trừ bỏng điện), tốt nhất là nên dội ngay nước lã mát vào người bị nạn, cho đến khi nhiệt độ chỗ bỏng hạ xuống, rồi đưa đi viện. Người bị bỏng điện sau khi giật được ra khỏi nguồn điện cũng dội nước mát cho hạ nhiệt. Đặc biệt với những bệnh nhân bị bỏng axit hay hóa chất, việc dội nước sẽ làm loãng các chất này, rất tốt cho bệnh nhân. Tuyệt đối không dùng nước nắm, muối, xà phòng hay thuốc đánh răng bôi lên chỗ tổn thương. Vì các chất này đều có tính kiềm hoặc tính axit, sẽ khiến bệnh nhân bị bỏng hai lần. Những trường hợp bị máy công nông, máy tời… kéo mất da trên diện rộng, hoặc mất da đầu, thì cứ giữ lại phần da này, cho vào thùng đá lạnh mang kèm đến bệnh viện. Các bác sĩ vẫn có thể giữ được. Vnexpress