Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cảnh giác với bệnh mùa nóng ở trẻ


Việc lạm dụng tã giấy ướt vào mùa nóng cho trẻ khiến trẻ bị hăm da, gây đau rát vùng bẹn và mông. Trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, thêm vào đó là không khí bị ô nhiễm khói bụi, khiến cho đường hô hấp của trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công.

Gia tăng tiêu chảy và viêm đường hô hấp

Tại Khoa Nhi của Bệnh viện (BV) Xanh Pôn (Hà Nội), hơn một tuần qua, số bệnh nhi tới khám đã tăng khoảng 40%. Theo bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng Khoa Nhi, thời tiết thay đổi thất thường những ngày qua là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị bệnh.

Mùa nóng, trẻ nhập viện do sốt tăng cao (Ảnh: Ngọc Dung)
Chỉ riêng trong sáng 14-4, đã có gần 200 trẻ đến khám, trong đó 60%-70% bị các bệnh về đường hô hấp, chủ yếu từ 1-3 tuổi. Trong số này, các ca bệnh hen cũng chiếm khoảng 30%. Đáng nói là có nhiều trường hợp trước đó đã được gia đình tự điều trị bằng kháng sinh 3-5 ngày vẫn không khỏi đã phải nhập viện điều trị.

Theo bác sĩ Đỗ Quý Hợp, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Nhi Trung ương, hiện Khoa Hô hấp của BV đang quá tải do khoa chỉ có 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân lưu trú lên tới trên 100 cháu. Hầu hết những bệnh nhi phải chuyển vào điều trị tại đây đều là những trường hợp khá nặng.

Tại Khoa Tiêu hóa, số bệnh nhân cũng cao gần gấp đôi ngày thường. Theo các bác sĩ, chứng tiêu chảy ở trẻ em trong mùa hè thường do ăn thực phẩm chứa vi sinh vật gây bệnh hoặc do thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn, nấm. Tiêu chảy thường gây mất nước và điện giải, rất dễ dẫn đến tử vong.

Say nắng, viêm da rất phổ biến

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết trong mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh cần cảnh giác với bệnh say nắng ở trẻ với những biểu hiện: choáng váng, mệt, buồn nôn, khát nước.

Bác sĩ Dũng lưu ý, trẻ em thường mải chơi, trong khi đó những ngày nắng nóng, cơ thể mất nước rất nhanh do ra nhiều mồ hôi, nếu không được bù nước kịp thời, trẻ có thể bị say nắng thậm chí trụy mạch hôn mê dẫn đến tử vong.

Do đó, khi trẻ bị say nắng, cần đưa ngay trẻ vào nơi mát, cho uống nhiều nước có nhiều khoáng chất như nước muối đường hoặc pha nước Oresol. Tuyệt đối không được đưa ngay trẻ say nắng vào phòng lạnh hoặc cho uống nước đá vì khi đó cơ thể không kịp thích nghi có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng,

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng Khoa Khám bệnh - Viện Da liễu Quốc gia, số trẻ tới khám tại đây trong mấy ngày qua vì bệnh rôm sảy, viêm da thường tăng gấp đôi so với ngày thường. Nguyên nhân, do nắng nóng, trẻ thường đổ mồ hôi nhiều nên dễ bị viêm da, hăm da. Điển hình là việc lạm dụng tã giấy, bỉm của các bậc cha mẹ khiến trẻ bị hăm da, gây đau rát vùng bẹn và mông...

Bác sĩ Thành cảnh báo, nếu bị viêm da kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. Do đó, những ngày nắng nóng, trẻ cần được tắm rửa thường xuyên, mặc thoáng mát và khi có biểu hiện viêm da, nên đưa trẻ đi khám kịp thời.

Thận trọng với máy điều hòa

BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó giám đốc BV Nhi Trung ương, khuyên chỉ nên cho trẻ uống nước mát và uống từ từ từng ngụm nhỏ để giảm dần cảm giác khát và háo nước. Uống nước đá vào mùa nóng khiến nhiệt độ ở vùng họng bị giảm quá nhanh sẽ gây đau rát và dẫn đến viêm họng. Thời tiết nắng nóng cũng không nên cho trẻ ngâm mình dưới nước nhiều giờ vì dễ khiến các em bị bệnh ho, sổ mũi, nóng, sốt...

Cũng có nhiều bậc cha mẹ lại chủ quan cho trẻ nằm máy lạnh liên tục, chĩa thẳng quạt máy vào người suốt đêm, cho con tắm hồ bơi giữa trời nắng gắt... khiến trẻ dễ bị cảm, sốt. Việc dùng máy điều hòa vào những ngày quá nóng cũng cần lưu ý để nhiệt độ trong nhà chênh với nhiệt độ ngoài trời 6- 80C. Ngoài ra, nên hạn chế để trẻ đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần.

( Theo Tin Tức )