Trong vốn từ của trẻ em khoảng hai tuổi trở lên, có một từ thường xuyên được sử dụng đó là:“Không!”.
Bạn bảo con mặc áo len vào, ngồi xuống bàn ăn cơm, hoặc để con mèo được yên, nhưng con bạn cứ tảng lờ như không nghe thấy. Nhiều khi bạn thấy tuyệt vọng vì bất lực. Trước hết chúng ta cùng xem xét bản chất của vấn đề. Khi bước sang tuổi thứ hai, đứa trẻ bắt đầu cảm nhận được sự độc lập về thể chất và tinh thần của mình, và thích thú “hưởng thụ” sự độc lập ấy. Nếu trước đó đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ thì giờ đây nó có thể làm được một loạt các việc mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của mẹ. Như vậy, từ “không” đứa trẻ thốt lên chẳng qua là dấu hiệu của việc đứa trẻ muốn khẳng định một cảm giác hoàn toàn mới lạ và thú vị – cảm giác tự chủ. Để đạt được điều này, đứa trẻ phải tìm cách phản ứng kịch liệt sự kiểm soát và can thiệp của bố mẹ. Vì thế, bạn nên nhớ rằng đây là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ hay còn gọi là giai đoạn khủng hoảng. “Đi đường vòng” Bạn bảo con “Đi tất vào con nhé”, câu trả lời đại loại sẽ là “Không, con không thích đi tất”. Nếu bạn cáu kỉnh cao giọng “Này, nếu không đi tất vào thì ngồi nhà nhé, không có công viên công viếc gì hết”. Thế là hỏng đấy! Đừng bao giờ bạn phản ứng gay gắt trước sự ngoan cố của đứa trẻ. Cứ cho là bạn thắng cuộc lần này, nhưng trong thâm tâm con bạn vẫn sẽ hậm hực vì bị áp đặt. Cách tốt nhất là khéo léo “đi đường vòng”. Ví dụ, bạn có thể chìa tất cạnh bàn chân con và nói “Các chú ngón chân xinh xinh ơi, chúng mình chơi trò ú tìm đi. Các chú thử chui vào tất xem tôi có tìm ra được không nhé?”. Cũng có khi chỉ cần kiên nhẫn đợi một chút rồi nhắc lại yêu cầu của mình là đứa trẻ đã ngoan ngoãn nghe lời ngay. Bạn gọi mãi mà con bạn không chịu rời sân chơi ư? Hãy rủ con mình tham gia vào trò chạy đua: “Mẹ con mình thi xem ai chạy đến cái nhà ở đằng kia nhanh nhất nhé!”. Tóm lại hãy nghĩ ra cách lôi cuốn con mình bằng một trò gì đó thú vị hơn, lạ lẫm hơn. Khi cô (cậu) nghe lời, nên khen ngợi con ngay lập tức. “Đánh lạc hướng” Bạn cứ thử đặt mình vào vị trí của con, như thế bạn sẽ hiểu tại sao đôi lúc con bạn lại cứ chần chừ không chịu đi ngủ ngay hoặc ngồi vào bàn ăn cơm, nhất là khi cô cậu đang mải mê một trò gì đó rất thú vị. Thử hình dung xem, bạn đang tâm sự với cô bạn rất thân, thì bỗng nhiên phải đứng dậy rửa bát chẳng hạn. Có đúng là bạn sẽ mặc kệ đống bát đũa và tặc lưỡi “Chốc nữa dọn cũng chưa chết ai”. Đấy, bạn cũng cần cái gọi là “chốc nữa”. Bọn trẻ cũng vậy thôi, hãy cho chúng một ít thời gian chuẩn bị. Bạn nên nói những câu đại loại “Nào, con chuẩn bị dọn đồ chơi nhé, 15 phút nữa mẹ sẽ xới cơm cho con đấy.” Hai mẹ con đang có kế hoạch đến nhà ông bà ngoại ngày chủ nhật chẳng hạn, trước khi mặc quần áo cho con, bạn hãy kể một vài chi tiết hấp dẫn của chuyến đi, ví dụ như “Mẹ con mình đến thăm ông bà nhé, ông bà yêu con lắm, thế nào bà cũng nấu món chè mà con thích.” Trong lúc mặc quần áo cho con, để cô cậu khỏi phụng phịu, hãy khéo léo hỏi con những câu kiểu như “Thế con của mẹ sẽ ăn được mấy bát chè nào?” “Cương quyết” Tất nhiên có những lúc bạn phải tỏ ra cứng rắn để con mình biết rằng có những chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không thể đùa giỡn được. Chẳng hạn cấm tuyệt đối việc sờ tay vào ổ cắm điện, leo trèo cạnh cửa sổ hay là buông tay mẹ ra trong khi đi trên đường phố. Nếu đứa trẻ bướng bỉnh trong những lúc như vậy, bạn có thể im lặng kéo con ra chỗ khác mà không cần mềm mỏng hay giải thích gì. Cứ để cho cô cậu hờn khóc một lúc, rồi giải thích lần nữa cho con tại sao không nên làm thế. Bài học “ngoại giao” cho bạn Đôi lúc hãy cho phép con mình được nói từ “không!”, vì bạn cũng nên thể hiện thái độ tôn trọng trẻ như một cá thể hoàn toàn độc lập, nhất là những khi mà hậu quả của việc không nghe lời không có gì đáng nghiêm trọng cả. Với bọn trẻ cần phải biết cương quyết hoặc khéo léo đứng lúc. Theo Bibi.Vn |