Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khen chê đúng lúc


Dũng hớn hở khoe tôi cái hình nó mới vẽ. Thoạt nhìn thì thấy không được đẹp lắm, nhưng đối với đứa trẻ như nó thì đây là một kỳ công. Dũng rất vụng về hay nản chí, làm gì lâu tí xíu hay hơi khó một chút là bỏ ngay. Vậy mà nó kiên nhẫn ngồi nắn nót cái hình từ chiều để trở thành một tác phẩm “tuyệt hảo” theo như nó nghĩ. Thế nhưng mẹ cậu chẳng khen tiếng nào lại còn chê đủ thứ: “Vẽ xấu quá mà cũng vẽ, có ai mà vẽ con trâu giống như vậy không? Con người ta làm gì cũng hay cũng đẹp, còn con mình làm gì cũng không xong”…

Đừng làm trẻ tự ti

Nên khen trẻ đúng lúc giúp trẻ tự tin. Ảnh: T.X

Với một cậu học sinh lớp 4, lại có thêm tính “hậu đậu” nữa thì đó quả là một kỳ tích thế mà mẹ Dũng lại chê ỏng chê eo. Đây không chỉ là lần đầu mà gần như tất cả những gì Dũng làm mẹ cậu đều chê bai, còn cái nào thấy được được là quả quyết không phải của Dũng. Thấy cái hình tô màu đẹp mẹ Dũng nói ngay: “Cái này, ba mày tô cho chứ sức mấy mà mày làm được vậy!”. Dũng quả quyết: “Tự tay con làm mà, ba đâu có làm”. Nhưng mẹ cậu không chịu tin, đến khi ba Dũng lên tiếng: “Tự nó làm hết tôi không có mó tay vào đâu”. Lúc đó mẹ Dũng mới phán thêm một câu nghi ngờ “Mày mà làm được như vậy hả”.

Tội nghiệp Dũng lúc nào cũng bị chê là vụng về, là ngu, là đồ dốt đặc… Mặc dù có nhiều cái Dũng làm rất tuyệt, thậm chí những đứa bằng tuổi nó chưa chắc đã làm được. Bị chê riết nên Dũng đâm tự ti: “Con chán con quá, con chẳng làm được việc gì cả…”. Tôi thật bất ngờ vì câu nói phát ra từ miệng một đứa bé 10 tuổi. Tội nghiệp nó không biết được khả năng thật sự của mình. Một người sống mà không có niềm tin, thất vọng về bản thân mình thì thật tai hại và đáng sợ.

Có thể mẹ Dũng có ý tốt, muốn con tiến bộ hơn nên chê để con cố gắng nhưng đó có phải là một cách hay khi luôn chê con bằng những lời nhiếc móc nặng nề hoặc bằng việc so sánh những đứa trẻ khác, hay sự hoài nghi không tin tưởng. Chính sự sai lầm đó dễ dẫn đến sự nói dối và làm cho trẻ mất tự tin vào bản thân, hay chán nản. Trẻ nói dối để đạt được những cái mà nó muốn, để được nghe những lời khen mà đúng ra trẻ được nghe. Trẻ nói dối để được khẳng định mình, muốn chứng tỏ khả năng của mình. Dĩ nhiên là mọi người biết trẻ nói dối nên càng chê bai, la mắng trẻ nhiều hơn và càng ngày trẻ càng lún sâu vào cái vòng lẩn quẩn đó. Mỗi khi kêu trẻ làm việc gì đó như tập viết, giải toán, vẽ, tô màu… thì trẻ lắc đầu từ chối “khó lắm em làm không được đâu, khó lắm…” mặc dù đó chỉ là những thứ không quá khó đối với trẻ. Trẻ từ chối đối mặt với thử thách mới, trẻ sợ lại phải nghe những lời chê bai mặc dù trong lòng trẻ nghĩ mình làm được và rất muốn thử sức.

Khen chê phải đúng lúc
Không phải lúc nào cũng khen trẻ nhưng cũng không nên lúc nào cũng chê trẻ. Nếu trẻ làm không đẹp thì nên khen công sức trẻ bỏ ra, động viên sự tiến bộ của trẻ dù là nhỏ nhặt nhất, chỉ dẫn cho trẻ những gì trẻ còn lúng túng để trẻ ngày càng tiến bộ hơn. Hãy chỉ cho trẻ thấy được khả năng, thế mạnh của mình và giúp trẻ phát huy nó, tạo cho trẻ niềm tin, nhất là tin vào năng của lực mình. Tin vào khả năng của mình trong một chừng mực nào đó sẽ là một yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công.

Nếu không khen được trẻ thì xin cũng đừng chê trách trẻ, đừng để trẻ “tự kỷ ám thị”, mất lòng tin ở chính mình, nghĩ chẳng làm được việc gì đó rồi sinh chán nản và buông xuôi tất cả… “nhân vô thập toàn” mà, đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những gì con trẻ không thể làm được, đừng đòi hỏi trẻ quá cao để rồi mình lẫn trẻ đều thất vọng vì khả năng của trẻ chỉ tới giới hạn đó mà thôi. Hãy nhủ rằng, ngay chính bản thân mình có những chuyện không phải cứ muốn là được để rộng lượng hơn với trẻ, để thông cảm và hiểu trẻ hơn. Hãy giúp trẻ đạt được những ước mơ không phải từ những lời nói dối mà chính bằng khả năng thực sự của trẻ.

( Theo Báo Giáo Dục )