Trẻ mầm non ngột thở vì học trong kho chứa thuốc trừ sâu 25 cháu từ 2 đến 4 tuổi ở thôn Phù Cầm (xã Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh) đang phải học trong một căn phòng vốn là kho chứa thuốc trừ sâu, đạm, lân của HTX Phù Cầm. Căn phòng thấp lè tè, nền ẩm thấp, lúc nào cũng ngột ngạt vì thiếu ôxy.
Việc khó khăn về phòng học của trẻ em Phù Cầm bắt đầu từ năm 1993. Trước nhu cầu bức thiết cho con đi học của các phụ huynh, chính quyền thôn Phù Cẩm đã tu sửa nhà kho chứa vật tư nông nghiệp của hợp tác xã làm lớp học. Nhà kho có ba gian. Hai gian đầu chứa máy móc và thóc, gian còn lại chứa thuốc trừ sâu, lân, đạm. “Trong kho chứa những loại thuốc trừ sâu như DDT, 666, Vofatox và hàng tấn lân, đạm mỗi vụ. Có thời điểm sâu hại lúa hoành hành, trong kho chứa 3 đến 4 tạ thuốc trừ sâu 666” - ông Ngô Quang Định, nguyên thư ký đội sản xuất nhớ lại. Ông Định cho biết thêm: “Việc phân phát thuốc trừ sâu cho bà con dù cẩn thận cũng không tránh được sự rơi vãi ra nền nhà. Thuốc bột, thuốc nước gặp mưa là ngấm xuống nền đất. Tôi đi qua nhà kho này, tay lúc nào cũng chực bịt mũi vì mùi của nó không thể ngửi được”. Còn cụ Ngô Văn Số thì quả quyết rằng “thời gian để thuốc trừ sâu kéo dài nhiều năm nên thuốc đã ngấm vào từng viên gạch, viên ngói và mỗi thớ đất trong nhà”. Khi tu sửa nhà kho, thôn cho đảo lại ngói, quét vôi với mục đích làm giảm mùi thuốc trừ sâu. Dù đã được làm vệ sinh nhưng lớp học vẫn còn nặng mùi. Theo cô Hoàng Thị Châm (nguyên là giáo viên được bà con trong thôn bầu, nghỉ dạy từ năm 2003) cho biết hồi đó lớp cô dạy có gần 30 cháu nhỏ theo học. Dạy học được 20 phút là cô phải cho các cháu ra ngoài vì mùi thuốc sâu xông lên mũi không chịu được. Các cháu luôn kêu “cô ơi có mùi gì, cho chúng con ra ngoài đi”. Cô - trò đều có những biểu hiện bất thường về sức khỏe Phải học trong điều kiện môi trường như thế, nhiều em đã có những biểu hiện bất thường. Cô Châm cho biết, vào đầu năm học, sức khỏe của các em rất tốt nhưng đến cuối năm các em có biểu hiện đi tiểu ít một, đau đầu. Các em học bán trú ngủ trưa ở lớp, đến giờ học cô đánh thức mãi không thấy dậy. Các em hay uể oải, mệt mỏi sau giấc ngủ trưa. Biết các cháu phải học trong điều kiện môi trường không đảm bảo, cô Châm nhiều lần họp phụ huynh để kiến nghị lãnh đạo địa phương di chuyển các cháu đến chỗ học khác. Những cố gắng của cô đều vô vọng vì thôn không có địa điểm. Vậy nên các cháu nhỏ và cô giáo phải “cắn răng” dạy và học ở lớp học có mùi thuốc sâu. Những trẻ thơ hồn nhiên đang phải học trong phòng học vốn là kho chứa thuốc trừ sâu
Thương học sinh, cô Châm xin các cụ trong thôn để các cháu vào đình, chùa học nhưng không được chấp nhận. Mãi đến năm học 1997 - 1998, lãnh đạo thôn mới cho tôn nền nhà cao lên với hy vọng khử được mùi thuốc trừ sâu. Việc xử lý này mang lại hiệu quả ban đầu là hạn chế mùi thuốc trừ sâu nhưng cũng chỉ có tác dụng vào những ngày thời tiết mát mẻ. Cô Châm ngậm ngùi: “Tuy đã tôn nền nhưng sáng sớm ra mở cửa vẫn có mùi thuốc sâu phảng phất. Gặp những hôm trời oi bức, nóng nực thì không khí trong phòng học rất ngột ngạt”. Hơn 10 năm dạy trong môi trường không an toàn, cô Châm có những biểu hiện như sút cân, mắt mờ, tức ngực, đầy bụng, hắt hơi, choáng - người cô Châm run run khi kể về những biểu hiện này của mình. Cô Châm cho biết thêm: cô Nho cùng dạy với cô 4 năm cũng có biểu hiện như đi tiểu ít một và đau đầu. Hiện tại, cô giáo Hoàng Thị Hợi đang đứng lớp với 25 em nhỏ từ 2 đến 4 tuổi. Cô Hợi cho biết vào mùa nóng nực xung quanh lớp học vẫn có mùi khó chịu. Một số gia đình đã phải cho con sang học làng bên. Còn những phụ huynh khác dù biết lớp học là kho chứa thuốc trừ sâu nhưng vẫn “nín thở” đưa con đến trường. “Biết là độc hại nhưng vẫn phải cho cháu đi học. Muốn gửi cháu sang làng bên có điều kiện học tốt hơn nhưng không có thời gian để đưa đón và việc xin nhập học cũng rắc rối. Hy vọng các cấp lãnh đạo chú ý để cải thiện môi trường học tập cho các cháu” - ông Định mong mỏi.
( Theo Tin Tức ) |