Rất nhiều bậc phụ huynh đã phàn nàn như thế mỗi lần cho con đi tiêm chủng tại trạm y tế phường, xã. Dù theo quy định, trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải hỏi, khám kỹ cho trẻ để loại trừ các trường hợp chống chỉ định tiêm, nhưng xem ra quy định này chẳng được mấy người thực hiện. Hỏi nhiều ăn mắng Chị Hiền khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Tây) tâm sự, mỗi lần chị đưa con đi tiêm chủng là một lần mang bực vào người. Vì cu cậu hay ốm vặt, nên các mũi tiêm không được liên tục mà luôn bị cách quãng. Cứ mỗi khi mở sổ là cô y tá y như rằng lại “mắng” sao tháng trước không đi tiêm, giờ mới đi… Khi cô y tá đang chuẩn bị vắc xin để tiêm, chị kể lể tình trạng con là thế nọ, thế kia… nhưng chẳng bao giờ nghe được lời đáp từ cô. Chỉ thấy nói vạch quần ra, giữ đùi… rồi bé khóc dé lên một tiếng cũng là lúc tiêm xong. Không một lời dặn dò khi bé sốt, bé có phản ứng phải xử lý như thế nào. Thế là về. Chị Hải (số nhà 22, ngõ 6, đường Chiến Thắng, Hà Đông) còn bức xúc hơn vì chẳng hiểu nhân viên y tế tiêm mũi DPT2 cho con chị như thế nào mà chiều, đùi cháu bị nổi lên từng cục, vón lại, to như quả trứng gà, cứng nhắc khiến bé đau nhức, khó chịu, quấy khóc suốt ngày. Chẳng biết giải quyết tình trạng đó ra sao, chị chỉ biết chườm ấm cho con, mãi vài ngày mới hết. Đến 1 tháng sau đi tiêm lại, chị có hỏi nhân viên y tế về điều đó thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn ngọn, vô cảm: “À, áp xe mũi tiêm.”!!!? Những tưởng tiêm dịch vụ thì thái độ của người tiêm cũng phải vui vẻ hơn, nhưng chị Mai (Giảng Võ) cũng không khỏi bực mình khi đưa con đi tiêm tại TT Y tế Dự phòng Hà Nội tại phố Nguyễn Chí Thanh. “Vẫn nhiệm vụ tiêm, mà sao có người thì dịu dàng, niềm nở rồi còn nựng cho bé đỡ khóc, người thì mặt mũi hằm hằm, động hỏi gì là gắt”, chị Mai phàn nàn. Lắm lúc bực quá định nói nhưng lại phải nhẫn nhịn cười hoà vì sợ họ tiêm đau cho con mình. Khi phóng viên đề cập đưa trường hợp của chị lên báo, chị vội giãy nẩy: "Đừng đừng! con chị còn phải đi tiêm nhiều mũi"… Thực tế người viết bài này khi đưa con đi tiêm phòng cũng không bao giờ được nhân viên y tế chủ động hỏi về tình trạng của bé. Đành chủ động “khai báo”, rồi tò mò nhìn nhìn, xem xem lọ vắc xin thì được trả lời là tiêm xong thì xem, cho mang vỏ hộp về tha hồ xem (vỏ vắc xin “5 trong 1”)?! Và cũng vì tâm lý sợ con bị tiêm đau, nên cũng đành nín nhịn cười gượng gạo. Khám sức khoẻ trước tiêm chủng là bắt buộc Không chỉ khâu khám phân loại cho trẻ trước tiêm chủng, mà nhiều khâu khác để đảm bảo một quy trình tiêm chủng cũng bị bỏ qua. GS Hoàng Thuỷ Long cũng đã từng có nhận xét về vấn đề này. Ông cho rằng việc kiểm tra thuốc để xem hạn dùng, chế độ bảo quản… rõ là có trong quy định, nhưng thực tế, chẳng mấy người làm theo nguyên tắc này. TS Đỗ Sĩ Hiển, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã nhiều lần nhấn mạnh, dù vắc xin có tốt đến mấy, thực hành tiêm chủng có tốt đến mấy, hàng chục triệu mũi tiêm như vậy và với những cơ địa khác nhau, không thể bảo đảm 100% không có rủi ro. Vì thế, cán bộ tiêm chủng không được bỏ qua khâu khám phân loại. Nhờ khám phân loại, nhân viên y tế có thể phát hiện ra trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ có yếu tố bẩm sinh, trẻ đang bị sốt để hoãn tiêm những trường hợp này, theo đó sẽ giảm được nguy cơ tai biến. Ông Hiển cho biết thêm: "Việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật tiêm chủng cho cán bộ y tế vẫn thường xuyên được tổ chức. Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình tiêm an toàn vẫn chưa đi vào nề nếp. Vì thế, ngành y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra trong thời gian tới để đảm bảo cho trẻ những mũi tiêm an toàn". Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã hoàn thành việc dán poster về quy định thực hành tiêm chủng cho cán bộ y tế tại tất cả các trạm y tế xã phường trong cả nước. Phụ huynh có quyền giám sát cán bộ y tế có làm đúng các quy trình hay không để quyết định tiêm hay từ chối tiêm cho con. Sự chủ động, kiên quyết của cha mẹ sẽ khiến nhân viên y tế có trách nhiệm hơn để làm tốt các bước của một quy trình tiêm chủng an toàn. Nếu làm sai, hãy phản ánh với ngay cơ quan họ công tác. Sự nghiêm khắc, cẩn trọng đó là rất cần thiết. Cần sự hợp tác PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhấn mạnh: "Để đảm bảo một mũi tiêm vắc xin an toàn không chỉ cần nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình tiêm, mà còn rất cần sự hợp tác chủ động của đối tượng tiêm chủng, cha mẹ của trẻ… Do vậy, trước khi tiêm, các bậc phụ nên khai báo đầy đủ các thông tin về sức khỏe của trẻ. Trẻ có bị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, đang bị ốm, sốt, tiêu chảy... hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh nào đó không? Sự chủ động cộng tác của người mẹ, đối tượng đi tiêm vô cùng quan trọng. Nên hiểu con mình tiêm gì và chủ động hợp tác với thầy thuốc. Còn nhân viên y tế cần nhớ, khám sức khoẻ trước khi tiêm là là một yêu cầu bắt buộc. Nhân viên y tế cần nhớ rõ chỉ định của từng loại vắc xin để tiêm để có những chỉ định đúng. Ví dụ với những trẻ yếu, nhẹ cân, đẻ non, có các dị tật bẩm sinh, sốt cao… thì người tiêm phải thăm khám kỹ và có thể hoãn lại hay thậm chí là vĩnh viễn không tiêm. Khi tiêm, nhớ kiểm tra nhãn, hạn sử dụng, chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi tiêm, kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng vắc xin (có bị ngả màu, vón cục hay không), thực hiện tiêm đúng kỹ thuật. Sau tiêm nên giữ trẻ lại, đặc biệt là trẻ sơ sinh để theo dõi trong 30 phút để xem những phản ứng có thể xảy ra không. Chỉ khi nào thấy yên tâm mới cho trẻ về và phải dặn dò thêm bà mẹ theo dõi tiếp. Để hạn chế tới mức tối đa nhất rủi ro đáng tiếc cho bệnh nhân, việc hợp tác giữa gia đình và nhân viên y tế là rất cần thiết. Nhưng quan trọng nhất, cán bộ tiêm chủng cần nâng cao trách nhiệm của mình ( Theo Dân Trí ) |