Xem tivi quá nhiều, trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bắt nguồn từ việc các trẻ xem tivi quá sớm và quá nhiều. Trên thực tế, các chuyên gia nghiên cứu về nhi khoa phát triển đều khuyên không nên cho các bé sơ sinh (1 tuổi trở xuống) và các bé ở tuổi chập chững (1-2 tuổi) xem tivi. Ở lứa tuổi này, bé cần học hỏi trực tiếp từ cha mẹ và môi trường xung quanh, điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Trong quá trình tương tác với cha mẹ, người lớn, trẻ sẽ dần dần học cách dùng từ để mô tả những gì mà trẻ nhìn - nghe - sờ - cảm thấy cũng như các suy nghĩ của mình, từ đó trẻ có những bước nhảy vọt về trí tuệ, tình cảm và hành vi ứng xử. Rối loạn vốn từ Như chúng ta đã biết lời nói được xem như một chuỗi âm thanh liên tục. Chỉ khi chúng ta có vốn từ, nhận ra trật tự các từ trong câu rồi kết hợp với ngữ cảnh cũng như các yếu tố phi ngôn ngữ khác, chúng ta mới hiểu đúng thông tin vừa tiếp nhận. Ngược lại, nếu chúng ta nghe một câu mà chưa được học thứ tiếng đó, chúng ta chỉ có thể đoán ý nghĩa của câu và để hiểu một cách chính xác, nói lại hay sử dụng nó vào tình huống khác dường như không phải dễ dàng. Chính vì vậy, khi trẻ em từ sơ sinh đến 2 tuổi xem tivi càng sớm và càng nhiều, vốn từ và âm vị của trẻ dễ bị rối loạn. Trẻ không đi từ việc cảm nhận, bắt chước từng âm, từng từ để tạo thành câu, mà ngược lại, từ đầu trẻ tri giác cả câu vốn dĩ là chuỗi âm thanh vô nghĩa (vì trẻ chưa có vốn từ nên không xử lý được thông tin đó). Những trẻ thường xuyên xem quảng cáo, phim hoạt hình, chương trình tiếng nước ngoài càng gặp khó khăn vì tốc độ lời nói trẻ nghe được rất nhanh, khác với ngôn ngữ đời thường, lại không nhìn thấy hình miệng cho từng âm nên có thể nói ngôn ngữ mà trẻ đang tri giác và ghi nhận chỉ là một chuỗi âm thanh liên tục. Trẻ không thể phân đoạn dòng âm thanh này thành những đơn vị tách biệt và nhận dạng chúng là những từ riêng biệt được kết hợp lại. Tivi chỉ phát ra âm thanh một chiều, trẻ thu nhận tất cả không chọn lọc và không phản hồi. Điều này gây khó khăn cho việc hiểu cũng như diễn đạt ngôn ngữ ở trẻ về sau. Một tràng âm thanh Trao đổi với chúng tôi, nhiều cha mẹ than phiền con của họ nói thứ tiếng gì đó mà họ không thể hiểu, hoặc trẻ có xu hướng tái diễn hoàn toàn những gì mình nghe được như một tràng âm thanh (nhờ việc kết hợp các âm trẻ đã lưu trữ trong bộ não), hay trẻ thích bắt chước ngữ điệu và lời nói của các nhân vật trong phim như Tom và Jerry... Trong khi đó, những từ ngữ đơn giản, liên quan đến cuộc sống thường nhật, mối quan hệ trong gia đình thì trẻ dường như không nói hoặc chỉ lặp lại khi người lớn dạy và ép trẻ nói. Nhiều trường hợp tệ hơn, trẻ có thể nghe nhưng không thể xử lý được điều người khác nói vì không có vốn từ, nên trẻ không có phản ứng thích hợp với những tình huống đó. Tóm lại, chúng ta thấy rằng việc trực tiếp chơi, phát ra những âm đơn giản để trẻ bắt chước là cơ hội để trẻ tập luyện cơ quan tạo âm của trẻ (như môi, răng, lưỡi...) và làm quen với những biểu tượng ngôn ngữ đầu tiên. Những hoạt động khác như nói chuyện, đọc truyện, chỉ và gọi tên những vật xung quanh sẽ làm phong phú biểu tượng hình ảnh, vốn từ cho trẻ. Đây là những cách thức cơ bản giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả mà cha mẹ có thể dành cho con, thay vì đặt trẻ trước màn hình tivi hay mua thật nhiều đĩa CD quảng cáo cho trẻ xem và an tâm tiếp tục công việc của mình. Chúng ta nhớ rằng sự phát triển ngôn ngữ là yếu tố quan trọng giúp trẻ hoàn thiện các khả năng khác như giao tiếp, nhận thức, bộc lộ cảm xúc, kiểm soát hành vi và ứng xử của trẻ. Việc cha mẹ nói chuyện với trẻ khi còn nhỏ sẽ làm phong phú vốn từ của trẻ, và trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn so với các bé khác ít được cha mẹ quan tâm, trò chuyện và chơi đùa. ( Theo VnMedia ) |