Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển tư duy sáng tạo của trẻ


Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ, có giành đủ thời gian tương tác tích cực với chúng, có giao cho chúng những nhiệm vụ (trò chơi/tình huống) đòi hỏi phải có hành vi sáng tạo hay không.

Trí sáng tạo của trẻ biểu hiện như thế nào ?

Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là Sự sáng tạo của trẻ em lại khác. Một người trưởng thành được coi là có trí sáng tạo khi họ tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Nhưng một em bé được coi là có trí sáng tạo khi trẻ bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng,… khả năng liên tưởng mạnh… vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” mầu mỡ nhất để gieo hành vi sáng tạo.

Tại sao chỉ vài mẫu gỗ, vài mẩu vải vụn, những mẩu giấy xé dán, hoặc chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, bôi/quét màu xanh đỏ trên giấy không rõ hình thù..., vốn rất ít có ý nghĩa, thậm chí hoàn toàn vô bổ với người lớn, nhưng lại thu hút toàn bộ tâm trí trẻ, chúng chơi rất say sưa. Đó là vì trẻ được chơi với những ý tưởng của mình. Chính xúc cảm nảy sinh trong quá trình chơi, chứ không phải sản phẩm cuối cùng (bức vẽ đẹp hay không đẹp theo cách nhận xét thường thấy ở người lớn) nuôi dưỡng trí tưởng tượng sáng tạo.

Phát triển trí sáng tạo?

- Sáng tạo trong các trò chơi: Chơi trò chơi là hình thức bộc lộ cơ bản nhất, rõ nét nhất mọi sự sáng tạo của bé. Một trong những trò chơi thu hút nhiều thế hệ trẻ con nhất đó là trò chơi bán hàng và đóng vai theo chủ đề. Đây là những trò chơi tạo điều kiện lớn nhất cho sự phát triển trí sáng tạo của trẻ. Trong những trò chơi này đứa bé tha hồ mô phỏng cuộc sống người lớn dưới lăng kính chủ quan của mình. Các bé sẽ đóng vai mình là bác sĩ, là y tá, là chú lính hải quân rồi hành động giống như những gì mình thấy trên phim ảnh hay ngoài thực tế. Các bé có thể cắt những tờ giấy, ngắt những chiếc lá giả làm tiền trong trò chơi bán hàng; lấy viên bi giả làm quả trứng; lấy sỏi trắng làm cơm v.v… Trong các trò chơi này trẻ sẽ tự đặt ra quy tắc chơi, biết điều chỉnh quy tắc chơi cho phù hợp với tình huống…. Tất cả đều là biểu hiện của sự sáng tạo ở trẻ em, cha mẹ, thầy cô cần chú ý tạo điều kiện tổ chức cho các bé đồng lứa chơi các trò chơi tập thể này. Ngoài ra, qua việc quan sát bé diễn trò, bạn cũng sẽ hiểu được hình ảnh của mình hiện ra trong mắt bé như thế nào, ước muốn của bé đối với các vai trò trong xã hội ra sao.

- Ngoài ra, còn có rất nhiều các trò chơi khác như cho trẻ xem những hình tròn, hình vuông, hình tam giác… rồi để trẻ vẽ chúng thành những thứ trẻ thích, ví dụ ông mặt trời, ngôi nhà, cái đầu của con chuột…, vậy là chúng đã sáng tạo.

- Kể chuyện sáng tạo, cho trẻ quan sát một bức tranh, trẻ có thể kể thành một câu chuyện có tình tiết, có lô gíc, biết đặt tên cho bức tranh vậy là chúng đã sáng tạo ra câu chuyện theo ý tưởng và kinh nghiệm riêng của chúng rồi. Hoặc yêu cầu trẻ cùng bạn vẽ một bức tranh hoặc cùng hoàn thiện một bức vẽ từ những hoạ tiết cho trước, hoặc cùng xé dán/cùng cắt got/ nặn…, hoặc cùng xây dựng một công viên vầng trăng từ những khối gỗ đa màu.

- Tập hợp các bé cùng trang lứa rồi phân các em theo nhóm, được yêu cầu trao đổi để thống nhất cả nhóm phải làm gì, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Sau khi bức tranh hoàn thành, từng trẻ đặt tên cho bức tranh đó, và giải thích tại sao lại đặt cái tên này, rồi nhóm thảo luận chọn một cái tên thích hợp nhất. Nhóm trẻ lại được yêu cầu thuyết trình, giới thiệu… hoặc kể thành câu chuyện… cho nhóm kia (trong vai khách thăm quan).

- Tạo ra các bài học giúp trẻ suy luận sáng tạo: Con nghĩ xem nếu trời lạnh mà không mặc áo ấm thì sau đó sẽ như thế nào? Hãy tưởng tượng xem, Nếu những cái răng của con biết nói thì chúng sẽ nói gì nếu con quên đánh răng v.v…

Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển. Thật ra sự sáng tạo luôn hiện hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, có cổ vũ, có biết nhiều phương pháp để nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không.

Chính thông qua những hoạt động được thiết kế tích hợp các mục tiêu, trẻ sẽ học được cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách đặt câu hỏi, học cách giải thích, trao đổi nhận xét, trải nghiệm những xúc cảm, tạo dựng sự tự tin, phát triển ngôn ngữ.
Tóm lại, muốn con sáng tạo, cha mẹ phải học cách sáng tạo cùng con, phải dành thời gian để chơi cùng trẻ.

Muốn giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng, liên tưởng, sớm hình thành tư duy sáng tạo, trước hết hãy để trẻ cứ chơi tự do theo tư duy logic của riêng bé, sau đó, bố mẹ, người lớn hãy nhóm trẻ lại hướng dẫn trẻ chơi nhóm những trò chơi đơn lẻ, ngẫu hứng. Người lớn thường ngạc nhiên, kỳ vọng…trước một hành vi quá thông minh, rất sáng tạo bất ngờ xuất hiện ở trẻ, rồi lại băn khoăn, thất vọng… vì chờ mãi không thấy những hành vi tương tự xuất hiện, mà thay vào đó là những hành vi không mong đợi như mè nheo, hờn dỗi, ăn vạ… Thực tế mọi hành vi thông minh, sáng tạo đơn lẻ ở trẻ sẽ nhanh chóng biến mất nếu không được kịp thời khuyến khích, củng cố. Cả cô giáo lẫn cha /mẹ cần phải để tâm, dày công tìm kiếm các bài tập, tình huống, thiết kế thành trò chơi, tìm cách lôi cuốn trẻ… giúp trẻ thực hành đóng vai, chơi say sưa, tập luyện một cách thường xuyên và có hệ thống mới mong sớm giúp trẻ hình thành tư duy sáng tạo

( Theo Chametainang )