Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hiện tượng béo giả ở trẻ


Nhiều trẻ trông có vẻ mập mạp, tròn trĩnh, nhưng các bậc phụ huynh hãy cảnh giác. Có thể đó là dạng suy dinh dưỡng thể phù. Người ta gọi suy dinh dưỡng thể phù là bệnh Kwashiorkor.

Trẻ dưới một tuổi ăn nhiều nhưng không uống sữa thường có nguy cơ mắc bệnh cao. Bề ngoài, trông bé tròn trịa nhưng cơ thể dễ mệt mỏi, cơ quan bị tổn thương và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm. Những thông tin sau sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về tình trạng béo giả để phòng bệnh cho con

Biểu hiện của tình trạng béo giả

Nhiều trẻ trông có vẻ mập mạp, tròn trĩnh, nhưng các bậc phụ huynh hãy cảnh giác,
có thể đó là dạng suy dinh dưỡng thể phù

Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM, cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh Kwashiorkor là do khẩu phần ăn của trẻ không cân bằng. Thực phẩm chứa nhiều chất bột nhưng thiếu chất đạm và các vi chất dinh dưỡng như vitamin, chất khoáng. Có thể người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức về dinh dưỡng để đảm bảo sự cân đối trong khẩu phần ăn

Những trẻ ngừng bú mẹ sớm nhưng có chế độ ăn và uống sữa kém chất lượng sẽ không hấp thụ đủ lượng chất đạm cần thiết. Trong khi đó, chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các mô, hình thành men, kháng thể... trong hoạt động sống của cơ thể. Nó còn tham gia vận chuyển dinh dưỡng, chuyển hóa nước và kích thích bé ăn ngon miệng.

Nếu khẩu phần ăn thiếu chất đạm kéo dài, bé sẽ chậm phát triển thể chất, dễ mắc bệnh và nhiễm trùng do sức đề kháng kém, dần đến suy dinh dưỡng thể phù.

Các dấu hiệu đặc trưng của bênh là bụng to, kém ăn, xanh xao, hay quấy khóc, mệt mỏi, tiêu chảy, phù chi dưới và mặt. Tóc thưa, dễ rụng. Da cứng, khô, dễ bị bong tróc, có những đốm màu nâu, đỏ, đen... Khi tình trạng diễn tiến nặng, trẻ sẽ bị suy gan, tim, sốc, hôn mê và có thể tử vong. Vì thế, phát hiện sớm dấu hiệu suy dinh dưỡng của con là điều rất quan trọng.

Phòng và điều trị như thế nào?

Nếu nhận thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh, bạn cần đưa con đến bác sĩ kiểm tra ngay. Điều trị sớm khi tình trạng còn ở thể nhẹ sẽ hiệu quả hơn.

Nếu bệnh nhẹ, bé cần được bổ sung thực phẩm giàu năng lượng và chất đạm. Việc này cần có sợ phối hợp chặt chẽ giữa người chăm sóc trẻ và bác sĩ. Khi tình trạng chuyển nặng, bé phải nhập viện để được bác sĩ chăm sóc và ăn khẩu phần đặc biệt.

Để ngừa bệnh Kwashiorkor, bé cần có khẩu phần ăn hợp lý, gồm đạm, chất bột, chất béo, vitamin, chất khoáng và xơ. Mỗi ngày, trẻ cần khoảng 50g chất đạm. Chất này có trong cá nguồn thực phẩm:

Động vật: Sữa, thịt, cá, trứng, tôm ,cua...

Thực vật: ngũ cốc, đậu phụ, các loại đậu, vừng (mè)...

Một điều các bậc phụ huynh cần lưu ý, chất đạm có nguồn gốc từ động vật thường có giá trị dinh dưỡng cao hơn thực vật.

Tuyệt đối không cho bé ăn kiêng khem, nhất là khi bị ốm. Trường hợp con bạn không thể dùng sữa, thịt, cá... bố mẹ cần đến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn loại thực phẩm thay thế danh cho bé

( Theo Tin Tức )