Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm thế nào để khuyến khích hành vi tốt của trẻ?


Bạn có thể thử áp dụng các lời khuyên dưới đây để khuyến khích hành vi mà bạn mong muốn ở trẻ.

Trẻ có thể làm những việc mà bạn làm. Trẻ quan sát cách cha mẹ cư xử với trẻ. Những gì bạn làm quan trọng hơn những gì bạn nói. Nếu bạn muốn con cái lịch sự, bạn cũng nên lịch sự với trẻ. Nếu bạn muốn trẻ không quát tháo, nói to, bạn cũng nên làm như vậy.

Chỉ cho trẻ thấy cảm xúc của bạn. Nếu bạn trung thực nói với trẻ rằng hành vi của trẻ ảnh hưởng như thế nào tới bạn, trẻ sẽ nhận biết được cảm xúc của trẻ qua những cảm xúc của bạn, giống như trẻ nhìn qua một tấm gương phản chiếu, và trẻ có khả năng cảm nhận giống như bạn. Khoảng 3 tuổi, trẻ có thể bày tỏ sự cảm thông thực sự. Do đó bạn có thể nói "Mẹ rất buồn vì ồn quá nên mẹ không nói chuyện qua điện thoại được." Khi bạn bắt đầu câu bằng "Mẹ/Bố", bạn sẽ tạo cơ hội cho trẻ nhìn nhận mọi việc từ địa vị của bạn.

Bắt hành vi tốt của trẻ. Khi trẻ cư xử theo cách bạn mong muốn, bạn nên có những phản hồi tích cực cho trẻ, ví dụ "Wow, mẹ rất vui khi con để đồ chơi gọn trên bạn trên bàn". Điều đó có hiệu quả hơn nhiều việc bạn chờ cho tới khi đồ chơi của con vứt lung tung trên sàn và bạn bực mình phải quát con "Không chơi nữa". Những phản hồi tích cực của bạn sẽ giúp cho trẻ tiếp tục phát huy những hành vi mà bạn mong muốn. Mỗi ngày, bạn nên đưa ra những nhận xét tích cực (khen ngợi, khuyến khích) gấp 6 lần nhận xét tiêu cực.

Ngồi ngang bằng với chiều cao của trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, bạn nên ngồi hoặc quỳ ngang bằng với chiều cao của trẻ để đạt hiệu quả giao tiếp. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tập trung vào những điều bạn đang nói hoặc yêu cầu trẻ.

"Bố/mẹ nghe con". Lắng nghe tích cực là một công cụ giúp trẻ giải tỏa cảm xúc. Trẻ thường tỏ ra thất vọng, đặc biệt là khi trẻ không thể diễn tả các cảm xúc đó bằng lời. Do đó, khi được bạn nhắc lại những cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ bớt căng thẳng, trẻ cảm thấy thoải mái và được cha mẹ tôn trọng.

Giữ lời hứa. Khi bạn hứa, bạn cần giữ lời. Khi giữ lời hứa, mặc dù đó là lời hứa tốt hay không tốt, con trẻ sẽ tin tưởng và tôn trọng bạn. Do đó, khi bạn đã hứa là sẽ đưa trẻ đi dạo sau khi trẻ cất gọn đồ chơi, bạn nên thực hiện ngay sau khi trẻ đã làm xong. Khi bạn nói rằng bạn sẽ đưa trẻ ra khỏi thư viện nếu trẻ tiếp tục chạy nhảy trong đó, bạn nên đưa thẳng bé ra ngoài nếu trẻ tiếp tục.

"Phòng hơn chống". Những chiếc cốc thủy tinh của bạn sẽ rất hấp dẫn đối với trẻ. Do đó, bạn nên cất những thứ dễ vỡ khỏi tầm với của trẻ.

Lựa chọn "trận chiến" của bạn. Trước khi can thiệp vào bất cứ việc gì mà trẻ đang làm, bạn nên tự hỏi xem liệu thực sự có cần phải can thiệp hay không. Bằng cách bớt mệnh lệnh, yêu cầu và phản hồi tiêu cực, bạn sẽ làm giảm bớt xung đột giữa bạn và trẻ, và giảm bớt các cảm xúc tiêu cực. Các nguyên tắc luôn quan trọng nhưng bạn hãy để dành những nguyên tắc đó trong những trường hợp quan trọng nhất.

Mè nheo. Trẻ không muốn người khác làm trái ý mình. Nếu bạn nhượng bộ trước những cơn mè nheo của trẻ, bạn vô tình đã làm cho trẻ tiếp tục cư xử như vậy vào lần sau. Khi bạn đã nói Không có nghĩa là Không được, còn nếu không bạn đừng nói Không. Nếu bạn nói Không, sau đó lại nhượng bộ, trẻ sẽ kiên nhẫn mè nheo cho tới khi đạt được mục đích.

Chỉ dẫn đơn giản và tích cực. Nếu bạn đưa ra chỉ dẫn đơn giản, trẻ sẽ biết bạn mong đợi ở trẻ những gì. (Con có thể cầm tay bố/mẹ khi qua đường). Dùng những lời tích cực thay các chỉ dẫn tiêu cực, ví dụ, thay vì nói "Con đừng để cửa mở", bạn có thể nói "Con đóng cửa lại".

Tinh thần trách nhiệm và các hậu quả. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể giao thêm trách nhiệm cho trẻ qua việc tạo điều kiện cho trẻ nghiệm các hậu quả tự nhiên do hành vi của trẻ gây ra. Ví dụ, nếu trẻ để quên phần ăn sáng của mình ở nhà, trẻ có thể sẽ đói. Trẻ bị đói một lần cũng không gây hại cho trẻ. Khi chúng ta làm hộ trẻ, chúng ta đã không cho phép trẻ tự học hỏi. Bạn nên cho trẻ trải nghiệm những hậu quả xuất phát từ những hành vi không gây nguy hiểm cho trẻ. Trước khi cho trẻ trải nghiệm hậu quả, bạn nên giải thích rõ ràng với trẻ trước.

Nói và làm. Con bạn có thể hiểu những điều bạn nói ngay cả khi trẻ chưa có khả năng nói chuyện với bạn. Chì chiết và phê phán trẻ sẽ khiến bạn chán nản và không đạt hiểu quả bạn mong muốn. Nếu bạn muốn cho trẻ cơ hội cuối cùng để hợp tác, bạn nên nhắc trẻ nhớ tới những hậu quả và bắt đầu đếm tới 3.

Giúp trẻ cảm thấy mình là người quan trọng. Trẻ thích mình là người quan trọng khi trẻ có thể đóng góp vào gia đình. Bạn có thể giao cho trẻ những việc nhà đơn giản hoặc một việc gì đó mà trẻ có thể làm để giúp bạn. Điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy mình là người quan trọng và khiến trẻ tự hào. Nếu bạn có thể tạo cho trẻ nhiều cơ hội làm việc nhà, trẻ sẽ làm tốt hơn và cố gắng làm chăm chỉ hơn. Một số việc nhà đơn giản, an toàn có thể giúp trẻ cảm thấy mình là người có tinh thần trách nhiệm, xây dựng lòng tự trọng cho trẻ và cũng giúp đỡ cho bạn.

Những tình huống thử thách. Thỉnh thoảng, bạn vừa chăm sóc con, vừa làm những việc cần làm là một thử thách đối với bạn. Trong trường hợp như vậy, bạn nói trước với trẻ về những việc bạn cần làm và lý do tại sao bạn cần trẻ hợp tác.

Hài hước. Hài hước là một trong những cách giảm căng thẳng và xung đột. Bạn có thể cù trẻ khi trẻ tiếp tục làm phiền bạn. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng khả năng hài hước để tròng ghẹo trẻ vì trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Bạn nên sử dụng khả năng hài hước để gây cười cho cả hai bố/mẹ con.

( Theo Lamchame.com )