Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tp.HCM : Số trẻ em mắc bệnh thủy đậu nhập viện tăng


Những ngày gần đây, số lượng trẻ em mắc bệnh thủy đậu tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng khiến cho các bậc cha mẹ có con em còn nhỏ hoang mang lo lắng… Các bác sĩ khuyến cáo, đây là thời điểm giao mùa, nên người dân cần đề cao cảnh giác phòng bệnh cho trẻ.

Trẻ em bị bệnh thủy đậu được điều trị tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2.
Sáng 21-3, chúng tôi có mặt tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2. Tình hình bệnh nhân đang điều trị và mới nhập viện khá đông, bệnh nhi nằm gần kín các giường bệnh nơi đây. Chị Đinh Thị Diễm Thúy, Điều dưỡng trưởng Khoa nhiễm cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2008 đến nay, khoa đã tiếp nhận 43 cháu mắc thủy đậu đến nhập viện (tăng hơn nhiều so với những ngày cùng kỳ năm trước). Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ em bị bệnh thủy đậu cũng tăng cao, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 20 đến 30 cháu vào nằm viện. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm cho biết: Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm thông thường, thường xảy ra từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm, bệnh xảy ra nhiều hơn so với các tháng khác trong năm nhưng năm nay, bệnh xuất hiện sớm hơn và đang có xu hướng tăng dần khi thời tiết thay đổi.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng: So với những tháng đầu năm 2007, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, số trẻ em bị bệnh thủy đậu trên địa bàn thành phố đã tăng gấp đôi. Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây, nó có khả năng gây thành dịch nếu không có các biện pháp vệ sinh nhà cửa, khử trùng môi trường bị nhiễm bẩn và cách ly trẻ bị bệnh. Đặc biệt là ở những nơi dân cư đông đúc như trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo… Mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải, kể cả trẻ sơ sinh, nhưng bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi. Đường lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh và do tiếp xúc với dịch tiết từ bóng nước. Thời gian lây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có phát ban và kéo dài cho đến khi những nốt đậu đóng vảy.

Mặc dù vậy, để phát hiện trẻ có bị mắc bệnh thủy đậu là việc không khó. Khi trẻ bị bệnh thường kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn. Sau đó nốt rạ xuất hiện ở da đầu, mặt, rồi lan đến cả thân người. Bệnh thủy đậu đa số diễn biến lành tính, nhưng đôi khi cũng có thể gây ra biến chứng như viêm phổi, viêm não thủy đậu, giảm tiểu cầu, xuất huyết tối cấp, viêm thanh quản, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt…

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý, khi trẻ em bị bệnh thủy đậu, ngoài việc đưa các cháu đến cơ sở y tế khám và điều trị, các bậc phụ huynh cần vệ sinh thân thể, tắm dung dịch sát trùng và thay quần áo hằng ngày cho các cháu. Việc dùng phương pháp dân gian như để trẻ tại nhà, trùm chăn kín để thủy đậu nổi hết cũng được các bác sĩ khuyến cáo không nên áp dụng vì dễ dẫn đến bội nhiễm và biến chứng. Trẻ bị bệnh thủy đậu cần phải cách ly ít nhất một tuần để tránh lây sang người khác. Đa số trẻ em bị bệnh thủy đậu có tiên lượng tốt, nhưng nếu không được theo dõi kỹ hoặc chăm sóc không đúng cách, bệnh có thể trở nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ khuyến cáo: thời gian này và tháng tới là những tháng đỉnh điểm của bệnh thủy đậu, có khả năng xảy ra dịch ở phạm vi nhỏ nếu không có các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý tình trạng sức khỏe của con em mình trong những dịp này để sớm phát hiện và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách.

( Theo Báo QĐND )