Giáo dục mầm non đang rơi vào “vòng luẩn quẩn” Luật Giáo dục và Nghị quyết 05 của Chính phủ yêu cầu từ nay đến năm 2010, phải chuyển 70% số trường mầm non ra ngoài công lập. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động, quản lý trường ngoài công lập lại rất khó kiểm soát.
Hiện nay cả nước có 8.471 trường mầm non (trong đó trường công lập là 2.808, bán công: 5.061, dân lập: 174 và tư thục là 428 trường). Mặc dù hệ thống các trường mầm non đã phát triển hơn nhiều so với những năm trước nhưng chất lượng Giáo dục mầm non vẫn đang tồn tại những bất cập… Cơ sở vật chất, trình độ giáo viên không đảm bảo… Sở Giáo dục-Đào tỉnh Hà Tây vừa đình chỉ hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ gia đình vì những cơ sở này không đảm bảo chất lượng giảng dạy và sinh hoạt cho trẻ em. Đó là các cơ sở tư nhân, còn đối với khá nhiều trường công lập thì diện tích còn chật chội, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không đủ đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho trẻ. Nhiều nơi không có lớp, phải bố trí học nhờ tại nhà văn hóa xã. Mặc dù Nhà nước đã có quy định là các tỉnh, thành phải dành ít nhất 10% kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non và chi trả lương cho giáo viên nhưng kinh phí này còn quá ít so với sự phát triển của hệ thống giáo dục. Bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Ngoài cơ sở vật chất không đảm bảo thì hiện nay tại một số tỉnh, thành, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực trình độ. Nhiều nơi, giáo viên mầm non phải làm việc từ 10-12 tiếng/ngày nhưng việc trả lương, chế độ đãi ngộ cho họ còn quá thấp. Ở các vùng khó khăn, lương giáo viên mầm non chỉ khoảng 450.000-500.000 đồng/người/tháng. Đồng lương ít ỏi khiến nhiều người không mặn mà với nghề dạy học và phải làm thêm công việc khác để có thu nhập. Buổi tập thể dục ở trường mầm non Hạ Long
Cơ sở hạ tầng, điều kiện giảng dạy tại các trường công lập còn thiếu thốn, yếu kém đã dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thiếu trường, thiếu lớp và các cơ sở mầm non tư nhân mọc lên ngày càng nhiều. Tại các cơ sở tư nhân, điều kiện vật chất khó có thể đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, trình độ giảng dạy của giáo viên cũng không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ở nước ta hiện nay, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ đến lớp mới chỉ khoảng 19%, trẻ mẫu giáo đến trường là 71%. Đối với gia đình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, việc đưa trẻ đến trường còn khó khăn và vất vả hơn nhiều. Mặc dù các địa phương có chính sách giảm học phí hay không thu tiền học ở những vùng khó khăn nhưng nhiều gia đình dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen để con ở nhà. Thực trạng này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho phát triển hệ thống trường lớp và chất lượng giáo dục mầm non ở những vùng miền này càng khó vực dậy. Cần chỉnh sửa lại một số điều luật về giáo dục mầm non Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ Giáo dục-Đào tạo). Theo bà Ngô Thị Hợp, Luật Giáo dục 2005 và Nghị quyết 05 của Chính phủ yêu cầu phải chuyển 70% số trường mầm non ra ngoài công lập đến năm 2010. Điều này đã khiến cho việc kiểm soát các trường mầm non rơi vào thế chồng chéo, khó khăn hơn. Bà Ngô Thị Hợp cho rằng, phải sửa đổi Luật Giáo dục và Nghị quyết 05 của Chính phủ đồng thời để các trường mầm non bán công chuyển sang trường công lập dưới sự quản lý của Nhà nước. Hình thức xây dựng trường mầm non này có thể tùy theo ngân sách của từng tỉnh. Tỉnh nào có ngân sách nhiều thì sẽ hỗ trợ hoàn toàn kinh phí xây dựng các trường mầm non. Tỉnh nào có ngân sách ít thì việc xây dựng trường mầm non sẽ theo tỷ lệ 50/50 (Nhà nước hỗ trợ và người dân cùng đóng góp). Đối với loại hình trường dân lập và tư thục nên có một cách gọi là trường mầm non tư thục. Nhà nước nên khuyến khích các tổ chức, người dân mở trường mầm non tư thục có chất lượng cao. Mặt khác, ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan cần có một chính sách tổng thể để nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên, cán bộ quản lý bậc mầm non. Song song với đó phải có một giải pháp quy hoạch, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới trường lớp; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Để thực hiện tốt được vấn đề này thì ngành Giáo dục phải đẩy mạnh Xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực của xã hội, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp cho giáo dục mầm non. Theo bà Ngô Thị Hợp, nhằm quản lý chất lượng giáo dục mầm non được tốt hơn, Bộ Giáo dục-Đào tạo đang tiến tới hoàn thiện các văn bản mang tính pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ về thực trạng các trường mầm non hiện nay và đưa ra các giải pháp khắc phục. Về phía các địa phương cũng rất cần thực hiện nghiêm túc sự phân cấp quản lý Nhà nước theo Nghị định 166 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ủy ban Nhân dân các xã, huyện phải phối hợp với người dân trong quản lý hoạt động của các trường mầm non tại địa phương mình như: Xem xét các cơ sở giáo dục mầm non đã đáp ứng được việc dạy và học chưa. Nếu cơ sở nào không đáp ứng đủ nhu cầu về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên yếu kém thì phải đình chỉ hoạt động ngay lập tức. Các địa phương cũng cần thống kê xem tỉnh mình có bao nhiêu trẻ đi học để từ đó có chiến lược xây dựng mạng lưới trường lớp cũng như đưa giáo viên đi bồi dưỡng thêm các lớp ngắn hạn về nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, một biện pháp có tính chất rất thiết thực là các cơ sở giáo dục mầm non được phép hoạt động phải có cam kết với phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn cho con em của họ khi học tập tại cơ sở mình. Đối với giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có Đề án xây dựng các trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo từ nay đến năm 2015. Theo đó, từ nguồn ngân sách của Nhà nước, Bộ chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất tại các vùng miền khó khăn là mỗi một xã có 1 trường học, mỗi một trường học phải có ít nhất 3 lớp. Bộ Giáo dục-Đào tạo thống kê, từ năm 2006-2010, các vùng miền khó khăn trên cả nước cần 2.614 tỷ đồng để xây dựng 2.840 xã không có trường mầm non. Giai đoạn từ 2011-2015, cần 2.555 tỷ đồng và đào tạo 3.000 giáo viên, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục đang huy động sự đóng góp của các nhà đầu tư ( Theo VOV ) |