Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sân chơi tập thể bị chiếm dụng : Ai hưởng lợi, trẻ em chơi ở chỗ nào?


Hiện nay, trong thành phố ta, nhiều sân chơi dành cho người già, thanh thiếu niên tại các khu dân cư đã và đang bị chiếm dụng trầm trọng để làm nơi kinh doanh: Bán hàng, trông giữ xe...Người già không có nơi tập trung thể dục thể thao, trẻ em tràn ra đường để đá bóng, chơi cầu lông gây ùn tắc giao thông và đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bức xúc trước hiện trạng thiếu sân chơi cho người già, trẻ em một cách trầm trọng, dân cư đã kiến nghị rất nhiều lên UBND phường sởtại và các cơ quan hữu trách. Thế nhưng cho đến nay, trước sự "làm ngơ" của các cơ quan chức năng,những sân chơi tập thể vẫn bị ngang nhiên chiếm dụng. Người ta tự hỏi, không lẽ sân chơi đang là tài sản chung của tập thể mà có một số cá nhân "dám" chiếm dụng? Nếu chính quyền địa phương cho "thuê" sân chơi làm kinh doanh thì ai đứng ra thu tiền cho thuê? Số tiền này sử dụng vào mục đích gì?

Trước cửa Cục Thông tin liên lạc- Bộ Công an, tại ngõ Vân Hồ II, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng trước đây vốn là sân chơi của thanh thiếu niên và sân tập thể dục của người cao tuổi cụm dân cư số 10. Thế nhưng, khoảng hai năm nay, sân chơi này bỗng biến thành nơi tập kết thu mua phế liệu. Từ đó, một góc sân cũng biến thành nơi đổ phế thải. Cho đến nay, sân chơi tập thể lại biến thành...bãi để xe ô tô. Thế là dân cư nhìn nhau ngậm ngùi vì mất sân chơi. Câu hỏi tiền cho thuê bãi và trông giữ xe ô tô này thuộc đơn vị nào quản lý, chẳng ai trả lời?!

Khu tập thể Đại học GTVT, tại ngõ 629, phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình có một sân chơi khá rộng, nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc. Sân chơi này còn được trang bị cả hệ thống chơi đu quay và ván trượt cho thiếu nhi. Vậy mà mấy năm gần đây, trở thành nơi trông giữ xe cả ngày và đêm. Một số hộ dân xung quanh còn căng dây nhằng nhịt để phơi quần áo. Dân cư kiến nghị lên tổ trưởng dân phố và UBND phường thì được trả lời: Do nhà tập thể sát đó không có chỗ để xe nên phải cắt một nữa sân chơi làm nơi trông giữ xe, đội an ninh của tổ dân phố đứng ra trông giữ và thu tiền. Còn lại một nửa sân vẫn là nơi cho các cháu vui chơi. Thế nhưng, trên thực tế, sân trông xe nằm phía ngoài, phải đi qua sân để xe mới đến phần sân chơi. Thậm chí, khi nhiều xe thì phần sân chơi này cũng bị "nuốt gọn" luôn. Một số cháu nhỏ cho biết: "Chúng cháu vào đó chơi cầu lông hay đá bóng thì bị mấy chú bảo vệ đuổi ra. Từ đó chúng cháu không đến đó chơi nữa mà chơi ỏ đường ngõ". Khi được hỏi số tiền trông xe 90.000 đồng/1 xe máy/tháng này được dùng vào việc gì? Dân cư ở đây đều trả lời không biết, không rõ. "Trước đây, chúng tôi cũng đã có một vài lần kiến nghị lên tổ trưởng dân phố, UBND phường Ngọc Khánh về việc này nhưng không có hồi âm. Bà tổ dân phố chỉ cho biết chung chung là dùng vào quỹ an ninh công cộng. Khu dân cư này đa số là cán bộ công chức, đi làm cả ngày và bận bịu nên cũng không có thời gian. Khi sân chơi trở thành bãi gửi xe, con cháu chúng tôi mất sân chơi, chúng tôi đã lập tức kiến nghị nhưng không có kết quả, nên thôi."

Khu tập thể Nghĩa Tân và Thành Công là những khu dân cư khá đông đúc. Mỗi một khu nhà đều có một sân chơi riêng. Nhưng, hiện nay tất cả các sân này đều bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, trông giữ xe của một số cá nhân sinh sống tại ... tầng một của khu nhà. Thử hỏi, người già biết sinh hoạt thể dục thể thao ở đâu? trẻ em biết chơi ở đâu?

Trước thực trạng một loạt sân chơi bị chiếm dụng, thanh thiếu niên Thủ đô bị thiếu sân chơi trầm trọng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan hữu trách cần vào cuộc, rà soát và xử lý vi phạm chiếm dụng, trả lại sân chung cho khu dân cư, trả lại môi trường sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh cho người cao tuổi và thanh thiếu niên.

( Theo KTĐT )