Trẻ em TPHCM “khát” khu vui chơi
Nhìn qua nhìn lại ở TPHCM bây giờ chỉ có lèo tèo vài khu vui chơi cho trẻ em được coi là “tốt” như công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên… Còn lại hầu hết các công viên từ lớn tới nhỏ đều rất nghèo nàn về trò chơi giải trí. Muốn được ngồi trên những chiếc đu quay cũ rích hay đoàn tàu hỏa lọc xọc chạy vài vòng cũng phải bỏ tiền mua vé. Hiểu được nhu cầu bức thiết này, nhiều tư nhân đã mở các dịch vụ vui chơi cho trẻ em nhưng vừa ít, vừa nhàm vừa đắt đỏ. Bãi đất trống lô mô sỏi đá vốn là bãi tập lái xe của quận Gò Vấp, thời gian gần đây xuất hiện một số trò chơi, giải trí giành cho các em thiếu nhi. Cứ chiều tối, rất nhiều phụ huynh đưa con đến đây. Dù các trò chơi quay đi quay lại chỉ có tô tượng (3.000 đồng/tượng), thú nhún (2.000 đồng/lượt), xe lửa (2.000 đồng/ lượt), câu cá (2.000 đồng/ 10 phút) hay đắt nhất là nhà hơi (5.000 đồng/10 phút). Song khi đến đây, hầu hết các bé đều rất háo hức và không muốn về. Chị Hoa, một phụ huynh ngụ phường 17, cho biết: “Tối nào con chị cũng đòi ra đây chơi. Thấy con vui thì mẹ cũng chiều chứ ở đây xung quanh cây cối, cỏ mọc um tùm, sợ muỗi và côn trùng, rắn rết. Nhưng khổ nổi khu này, không đến đây thì chẳng biết đi đâu”. Tương tự như quận Gò vấp, các quận Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân, quận 7, 8, 9… muốn tìm chỗ chơi cho thiếu nhi thì phải chờ… đến đêm, vì lúc ấy các trò chơi của tư nhân mới bắt đầu hoạt động. Các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Cần Giờ… trước đây vốn có nhiều “đất” cho các em bay nhảy thì giờ đã bị “cơn lốc” đô thị hóa “lấy” hết, biến thành nhà chung cư, cao ốc cao tầng, biệt thự… Với số tiền 5 tỷ đồng mà công ty Omo bỏ ra để trang bị đồ chơi, công viên Tao Đàn (quận 1) đang được coi là điểm vui chơi hấp dẫn nhất. Vào những ngày cuối tuần, do tình trạng quá tải nên các bậc cha mẹ phải chen nhau xếp hàng cho con được chơi đã không còn là chuyện lạ. Công viên Lê Văn Tám mục đích xây dựng ban đầu là để dành cho thiếu nhi. Nhưng bây giờ thiếu nhi chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn người lớn, người già tới tập thể dục và tương lai là một bãi xe ngầm 4 tầng. Các công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, 23/9, Phú Lâm… yên tĩnh và thoáng mát nhưng trò chơi cho trẻ con rất đơn điệu, thậm chí là không có. Tại các khu phố mật độ dân cư đông, nhà cửa san sát, đất còn “quý hơn vàng”, nên một khu đất trống dành cho trẻ em gần như là điều không tưởng. Một số nơi may mắn “sở hữu” công viên mi ni thì đồ chơi rỉ sét, hỏng hóc, có chỗ thì bị “tùng xẻo” để làm bãi giữ xe, kinh doanh các loại dịch vụ khác. Các nhà thiếu nhi, một số hoạt động tốt thường quá tải, một số thì hầu như quên lãng chức năng phục vụ cho thanh thiếu niên, thay vào đó là các dịch vụ dành cho người lớn. Các giờ ngoại khóa hoạt động vui chơi cho các em cũng rất hạn chế vì nhiều lý do, Theo ông Đào Thanh Lâm (Phó Trưởng Ban Thiếu nhi thành đoàn) thì: “Rất muốn đưa các em thoát khỏi không gian chật hẹp của nhà thiếu nhi để ra các công viên hoạt động dã ngoại, sinh hoạt kĩ năng sống; nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục xin phép. BQL công viên coi hoạt động của thành đoàn như hoạt động kinh doanh nên lấy giá “thuê mặt bằng” như tư nhân…”. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Một sân chơi đúng nghĩa rất cần thiết để các em được phát triển toàn diện về trí não và thể chất. Những sân chơi lành mạnh và bổ ích ấy có được hay không, rất cần sự quan tâm của các ban ngành chức năng và toàn xã hội. ( Theo Dân Trí ) |