Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiêm chủng cho trẻ em không làm tăng nguy cơ tiểu đường


20 mũi vacxin mà trẻ phải tiêm từ khi sinh tới 2 tuổi không làm tăng nguy cơ rối loạn hệ miễn dịch (như tiểu đường type 1), hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác (cảm, viêm tai, viêm phổi, viêm màng não...). Kết luận này được các bác sĩ thuộc hội đồng chuyên gia độc lập tại Viện Y khoa Mỹ đưa ra hôm qua. Điều tra gần đây cho thấy 25% phụ huynh lo ngại rằng con cái họ phải tiêm chủng quá nhiều và hệ miễn dịch bị quá tải có thể khiến trẻ bị tiểu đường hoặc các bệnh nhiễm trùng. Năm 1980, trẻ em được tiêm phòng 4 bệnh. Ngày nay, tới 2 tuổi, các bé đã phải tiêm 20 mũi chống 11 bệnh. Tuy nhiên, theo các tác giả của báo cáo, lượng kháng nguyên (yếu tố lạ làm khởi phát đáp ứng miễn dịch) trong mỗi loại vacxin lại giảm rất nhiều so với những thập niên trước đây. Ví dụ, vacxin phòng ho gà của thập niên 80 chứa 3.000 kháng nguyên, trong khi một loại vacxin an toàn hơn được áp dụng từ thập niên 90 chỉ chứa 5 kháng nguyên. Vacxin phòng viêm gan B ngày nay chỉ chứa 1 kháng nguyên, trong khi vacxin phòng đậu mùa được dùng cho tới năm 1971 chứa tới 200 loại. Báo cáo cũng nêu rõ, khả năng của hệ miễn dịch ở trẻ em lớn hơn ít nhất 1.000 lần những gì cần có để đáp ứng với việc tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng không thể dẫn tới tình trạng quá tải của hệ này. Ngoài ra, hiện chưa có đủ bằng chứng cho thấy tiêm phòng chống hàng loạt bệnh sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh hen. Trong khi đó, nguy cơ mắc các bệnh có thể tránh nhờ tiêm chủng lại rất thực. Viện Y khoa Mỹ là một tổ chức độc lập, tiến hành các nghiên cứu theo yêu cầu của chính phủ. Hội đồng chuyên gia gồm những nhà khoa học không liên quan tới các công ty sản xuất vacxin. Thu Thủy (theo AP)