"Xây dựng văn hóa đọc cho trẻ từ khi mới biết chữ" Trái với ấn tượng lâu nay của người lớn về việc truyện tranh đang tràn ngập thị trường sách thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng, đơn vị làm sách lớn nhất cho thiếu nhi của VN, đã chuẩn bị cho mùa hè - mùa đọc sách của trẻ em - bằng một tủ sách mới. Sách hướng nghiệp - nhất nghệ tinh, với các câu chuyện và tình huống chọn nghề nghiệp tương lai cùng những lời tư vấn, đồng thời tiếp tục tái bản những tác phẩm văn học nổi tiếng của thời chống Mỹ dù biết khó có thể bán chạy. Giãi bày về hành động “để đức cho con cháu” này, bà Nguyễn Thị Dắt, tổng biên tập NXB Kim Đồng, cho biết: - Thật ra ai cũng biết in truyện tranh thì sẽ lãi hơn truyện chữ nhiều lần, truyện tranh nước ngoài lãi hơn truyện tranh VN, NXB Kim Đồng có đối tượng bạn đọc chủ yếu là thiếu nhi càng ý thức rõ chuyện đó, nhưng nếu cứ thấy trẻ thích gì mình lại làm theo thì Kim Đồng từ lâu đã không còn là nơi phụ huynh đặt niềm tin khi chọn sách cho con mình. Làm truyện tranh có lãi, được các em thích thì vẫn làm nhưng quan trọng hơn là phải chuẩn bị độc giả cho tương lai. Vì thế từ lâu chúng tôi đã kiên quyết đặt mục tiêu là luôn giữ truyện chữ ở tỉ lệ ít nhất 60/40 so với truyện tranh. Năm 2004 Kim Đồng in 1.200 đầu sách, với số lượng 15 triệu bản in, thì có đến 80% là truyện chữ; trong số 20 tủ sách mà chúng tôi xây dựng từ 1994 đến nay, tỉ lệ tủ sách truyện chữ, đặc biệt là sách văn học, vẫn áp đảo: chín tủ sách văn học, còn lại là các tủ sách kiến thức, khám phá, kiến thức thế hệ mới, tri thức bách khoa, chuyện kể cho bé, truyện tranh chỉ có trong bốn tủ sách: tranh truyện dân gian VN, tranh truyện lịch sử VN, tranh màu mẫu giáo và tủ sách búp bê. * Những tủ sách nào Kim Đồng tâm đắc nhất và bỏ nhiều chất xám, tiền của đầu tư nhất, thưa bà? - Chính là những tủ sách văn học. Không ai có thể ngờ một NXB chuyên làm sách cho thiếu nhi và nổi tiếng (và mang tiếng) chỉ biết in truyện tranh như chúng tôi cũng chính là một trong những nơi in nhiều nhất sách văn học, đặc biệt là văn học VN, trong cả nước hiện nay. Ba tủ sách mà chúng tôi đầu tư nhiều nhất là: Thơ với tuổi thơ, Sách vàng, Sách được giải thưởng và Sách tuổi mới lớn. Để có được 200 cuốn Thơ với tuổi thơ của 200 tác giả đã in ra, chúng tôi phải đặt người sưu tầm, tuyển chọn, viết lời bình, vẽ minh họa… một cách nhất quán theo phong cách Kim Đồng, phải làm sao cho bản thân tác giả “chịu” sự lựa chọn đó mà các em cũng không thấy “kinh hãi” khi phải cầm trên tay một cuốn thơ. Sự lựa chọn của những nhà thơ kiêm nhà phê bình như Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa… phải kéo các em đến gần với thơ với những tên tuổi như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh… chứ không phải để các em thấy… kính nể thơ rồi… bỏ chạy. Với tủ sách Vàng cũng vậy, chúng tôi đã rất đau đầu khi tìm cách để đưa những Tắt đèn, Đất nước đứng lên, Mẫn và tôi… đến với các em với giá tiền 5.000-6.000 đồng/cuốn. Tủ sách Tuổi mới lớn thì có khó khăn khác: với các tác giả trẻ phải có sự chăm sóc đặc biệt, từ quan hệ cá nhân đến chăm sóc bản thảo để họ lựa chọn Kim Đồng thay vì các NXB khác vốn cũng đang sẵn lòng chào mời tác giả mới, nhất là sau công ước Berne. 150 đầu sách của 150 tác giả viết cho tuổi hoa niên trong vòng hai năm cũng là một sự cố gắng nhiều khi tưởng quá sức của chúng tôi. Với tủ sách được giải thưởng, chúng tôi đã in đến 600 đầu sách qua năm đợt phát động viết cho thiếu nhi. Dù không phải cuốn nào cũng hay và có bạn đọc nhưng chúng tôi vẫn cố gắng in tất cả những tập đã được trao giải, để giới thiệu những gì mới nhất viết về các em đến với các em, và để bày tỏ sự tri ân đối với những người đến giờ này vẫn yêu quí và dành thời gian viết cho các em đọc. * Nhưng làm sao có thể bù lỗ được với sự chênh lệch về tỉ lệ quá lớn như thế? Làm sao Kim Đồng có thể gồng mình làm “công tác xã hội” trong một thời gian dài như vậy? - Thực tế là chúng tôi không lỗ. Đầu truyện tranh ít hơn nhưng bản in bao giờ cũng lớn hơn. Một tác phẩm văn học thuộc tủ sách vàng hay tủ sách tác giả thường chỉ in 1.000 bản, trong khi truyện tranh ít nhất cũng từ 3.000-5.000 bản. Đó là không kể những sách truyện thuộc tủ sách tuổi mới lớn, đặc biệt là sách của Nguyễn Nhật Ánh, lại bán chạy, thậm chí rất chạy nữa. Vấn đề là phải biết san sẻ lợi nhuận và lấy lãi bù lỗ. Làm sách cho các em không đơn thuần là kinh doanh mà là sự đầu tư cho tương lai. Người khôn ngoan là người phải tạo ra khách hàng tiềm năng của mình ngay hôm nay, nghĩa là muốn bán được một tác phẩm văn học trong tương lai phải xây dựng văn hóa đọc cho một em bé từ khi em mới biết chữ. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục làm sách văn học “truyện chữ” cho các em. * Xin cảm ơn bà, và chúc NXB Kim Đồng có nhiều độc giả đọc sách “truyện chữ” nhiều hơn nữa. Tuổi Trẻ |