Nếu bạn tha thiết muốn bé học nhạc và coi âm nhạc như một cái gì đó không thể thiếu trong quá trình hình thành nhân cách của bé thì hãy học cách dạy cho bé yêu âm nhạc trước khi bắt ép bé học nhạc giỏi. Để làm được điều này cần phải khéo léo
Đầu tiên: Bạn hãy tìm một giáo viên hợp với bé. Nghĩa là người giáo viên đó ngoài kiến thức âm nhạc ra còn phải là một người yêu trẻ, hiểu trẻ luôn nâng đỡ tâm hồn đứa trẻ, kích thích nó tiếp tục theo đuổi việc học. Đứa bé không thể tiếp tục học âm nhạc khi mà nó chưa dành cho thầy (cô) giáo lòng tin yêu và sự kính trọng. Thứ 2: Hãy sắp xếp thời gian học và ấn định nhịp điệu của một tiết học nhạc dựa trên thực tế và thời điểm hứng thú của đứa trẻ. Tham khảo ý kiến trẻ khi sắp xếp thời gian biểu. Không nên thay đổi giờ học mà không báo trước cho bé dù sự báo trước chỉ xê dịch 1 ngày. Nếu giờ học ấn định phải nghỉ thì thầy (cô) giáo nên là người trực tiếp báo cho trò biết chứ không nên thông qua bố mẹ. Điều này sẽ làm giảm tính ép buộc trong vấn đề học nhạc, đề cao cái tôi và sự tự do cho đứa trẻ. Bởi bản thân âm nhạc là một cái gì đó rất tự do, rất phóng khoáng, đừng nên gò ép trẻ nếu chúng nếu chúng thực sự chưa chuẩn bị để bắt đầu. Thứ 3: Tránh đặt lên vai trẻ những gánh nặng tâm lý không cần thiết đại loại như: cố tình bắt đứa trẻ phải học nhạc vì mình đã phải cố gắng để dành dụm tiền mua một món nhạc cụ đắt tiền, hoặc thuê một giáo viên giỏi. Đồng thời kiềm chế việc nói cho trẻ biết những ước nguyện và khát vọng của cha mẹ đối với trẻ ví dụ như: Con có khả năng như vậy cơ mà! Chỉ cần con học đúng bài bản. Con sẽ trở thành một nhạc công có tài nếu như con học hành đến nơi, đến chốn v.v… Vô hình chung bạn đã đặt lên vai trẻ những gánh nặng tâm lý và ảo tưởng tự hào bản thân mà nếu không đạt được, cả bạn và bé đều cảm thấy thất vọng, căng thẳng. Một ví dụ sau sẽ giúp các bạn hiểu hơn về con trẻ. Trong tiết học nhạc thứ 3 cô bé Mai phải học đánh gam bằng 2 tay. Thầy giáo biểu diễn rất thành thục bài tập rồi nói: “Bài này không khó lắm đâu, nào thử xem”. Miễn cưỡng và lúng túng, Mai đặt các ngón tay xuống phím đàn và thử tập lại gam… Ngay buổi chiều hôm ấy cô về nhà với tâm trạng thất vọng và buồn chán. Khi Mai ngồi học cùng mẹ, mẹ nói: Đánh tất cả các gam bằng một tay không dễ đâu, mà đánh bằng hai tay còn khó hơn!”. Mai tươi tỉnh hẳn lên. Bên chiếc đàn nó bắt đầu chậm rãi lựa từng gam bằng hai tay. Mẹ động viên: “mẹ thấy con chọn các nốt rất đúng và lựa các ngón tay cũng rất đúng”. Với vẻ mặt hài lòng, bé Mai đáp: “con hiểu, tập đàn cũng khó lắm mẹ ạ!”. Chiều hôm ấy cô bé tập lâu hơn thường lệ. Và suốt cả tuần lễ sau đó nó vẫn còn cố gắng luyện tập và chưa thể yên tâm được chừng nào đánh gam mà còn phải nhìn vào bàn phím. Đây là một bài học thực tế về cách nuôi dạy con. Nó không chỉ áp dụng trong việc dạy đàn cho bé mà còn trong rất nhiều các lĩnh vực khác. Có một nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ cần biết đó là: “Đứa trẻ chỉ cảm thấy được ủng hộ khi nó biết rằng những khó khăn của nó được mọi người biết đến và cảm thông” ( Theo Chametainang .Net ) |